Trẻ em đối mặt bệnh gì khi Hà Nội ô nhiễm không khí nặng?

Theo chuyên gia, từ nay đến khoảng tháng 3-4/2021, Hà Nội sẽ ô nhiễm không khí ở mức rất hại với sức khỏe. Các chuyên gia y tế cảnh báo tình trạng này sẽ ảnh hưởng nặng nề tới hệ hô hấp, đặc biệt với trẻ nhỏ.
Bắt đầu từ sáng 6/11, nhiều nơi ở Hà Nội và một số khu vực phía Bắc như: Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hòa Bình... bị ô nhiễm không khí nặng, xuất hiện nhiều điểm ở mức rất có hại cho sức khỏe.
Theo đó, các chỉ số đo tại một số trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) cho thấy nhiều điểm quan trắc Bắc Bộ có màu tím - mức rất có hại cho sức khỏe.
Theo AirVisual, tất cả các điểm quan trắc ở Hà Nội và các vùng lân cận đều ở mức màu đỏ (có hại cho sức khỏe) và có 3 điểm quan trắc có màu tím (rất có hại cho sức khỏe), trong đó có 1 ở Ngọc Thụy, 1 điểm ở Tô Ngọc Vân (Hà Nội) và UBND xã Xuân Lâm (Thuận Thành, Bắc Ninh).
Tre em doi mat benh gi khi Ha Noi o nhiem khong khi nang?
Sống trong một bầu không khí ô nhiễm bởi khói, bụi và thuốc lá, trẻ em sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh hô hấp mãn tính như hen suyễn. Ảnh: Internet. 
Chuyên gia môi trường khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, đóng cửa sổ và sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường.
Ô nhiễm không khí khiến trẻ dễ mắc bệnh về đường hô hấp
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với 1,7 triệu ca, tức là chiếm đến 1/4 tổng số trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi tử vong là do môi trường ô nhiễm như nước và không khí nhiễm bẩn, khói thuốc lá, thiếu vệ sinh gây ra.
Môi trường ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí ở Hà Nội rất nguy hiểm với trẻ em. Các cơ quan và hệ miễn dịch đang phát triển khiến cho trẻ dễ bị nhiễm bệnh từ nguồn không khí ô nhiễm và nước bẩn với những căn bệnh phổ biến nhất dẫn đến tử vong ở trẻ em như: sốt rét, kiết lị, viêm phổi… là những bệnh đều có thể ngăn chặn nếu như có nguồn nước và thức ăn sạch.
Theo WHO, sức khỏe của trẻ đã bắt đầu bị ảnh hưởng từ trong bụng mẹ và nếu phải tiếp tục sống trong một bầu không khí ô nhiễm bởi khói, bụi và thuốc lá, trẻ em sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh hô hấp mãn tính như hen suyễn. Không khí ô nhiễm cũng là nguyên nhân cho các bệnh tim mạch, ung thư và thậm chí đột quỵ.
WHO lưu ý rằng trẻ em sống trong những gia đình không có nước sạch hoặc bị ô nhiễm do khói từ nhiên liệu không sạch như than đá sẽ dễ mắc bệnh tiêu chảy và viêm phổi. Trẻ cũng có nguy cơ dễ phơi nhiễm những hóa chất độc hại thông qua thực phẩm, nước, không khí và các sản phẩm xung quanh.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trẻ sống trong không khí ô nhiễm, khói thuốc lá từ người khác có nguy cơ nhiễm viêm phổi và các bệnh về đường hô hấp cao hơn hẳn. Bên cạnh những rủi ro kể trên, báo cáo của WHO còn báo động những mối nguy hiểm môi trường "mới" ngày càng đáng lo ngại, có liên quan đến các hoạt động công nghiệp trên thế giới như phơi nhiễm các chất gây ô nhiễm, các chất thải điện và điện tử cũng như là hiện tượng biến đổi khí hậu.

Mời độc giả theo dõi video "Ô nhiễm môi trường tại các Làng Nghề". Nguồn: VTV TSTC.

Nói về những tác hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nhiều tới vấn đề phát sinh các bệnh về đường hô hấp. Trong đó đặc biệt người già và trẻ nhỏ là hai đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đối tượng các cháu nhỏ sức đề kháng kém, khi niêm mạc đường hô hấp hít phải các chất bụi, hoặc khói trong không khí cũng rất dễ làm tổn thương niêm mạc. Thế nên trẻ em cũng rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp.
Với trẻ nhỏ, nếu tính trên kg cân nặng thì nhu cầu hít thở oxy nhiều hơn người lớn, nhưng sức đề kháng và hệ miễn dịch lại yếu. Tuy nhiên, trẻ nhỏ lại có xu hướng thích hoạt động ngoài trời nhiều hơn nhưng không có ý thức tự bảo vệ cơ thể mình nên rất dễ cơ mắc các bệnh do ô nhiễm không khí.
Các biện pháp bảo vệ khỏi tình trạng ô nhiễm
Để hạn chế những tác nhân xấu này, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng đã đưa ra lời khuyên: Người dân cần theo dõi dự báo trên các trang thông tin đại chúng để biết được những thông số về mức an toàn trong không khí, từ đó có những kế hoạch di chuyển và phòng vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Tre em doi mat benh gi khi Ha Noi o nhiem khong khi nang?-Hinh-2
Những ngày mức độ ô nhiễm không khí cao chúng ta nên hạn chế ra ngoài đặc biệt là qua những khu vực bị ảnh hưởng nặng. Ảnh: Internet. 
Những ngày mức độ ô nhiễm không khí cao chúng ta nên hạn chế ra ngoài đặc biệt là qua những khu vực bị ảnh hưởng nặng. Khi đi ra ngoài đường phải đeo khẩu trang để ngăn ngừa khói bụi trong không khí.
Hiện nay, khẩu trang bán trên thị trường tuy có tác dụng ngăn ngừa sự độc hại của khói bụi nhưng cũng chỉ ở mức độ thấp. Trên thực tế, với những bụi mịn trong không khí đều có thể xuyên qua các lớp của khẩu trang. Vì vậy người dân nên chọn những loại khẩu trang dày, nhiều lớp sẽ có tác dụng ngăn khói bụi tốt hơn.
Với những gia đình gần khu vực ô nhiễm cao nên đóng cửa những lúc không cần thiết và sử dụng máy lọc không khí để hạn chế những tác nhân ô nhiễm.
Thảo Nguyên

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN