Người lao động đón nhận tin vui
Ngày 30/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, thay thế Nghị định số 38/2022/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Cùng đó, Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương có quy định cụ thể đối với khu vực doanh nghiệp về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động, tăng 6% so với năm 2023, áp dụng từ ngày 1/7/2024.
Cụ thể, tiền lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh theo vùng. Vùng I: 4.960.000 đồng/tháng; vùng II: 4.410.000 đồng/tháng; vùng III: 3.860.000 đồng/tháng; vùng IV: 3.450.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu giờ ở vùng I: 23.800 đồng/giờ; vùng II: 21.200 đồng/giờ; vùng III: 18.600 đồng/giờ; vùng IV: 16.600 đồng/giờ.
Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên, tin tức tăng lương cơ sở từ 1/7 được người lao động đón nhận một cách thận trọng, đa phần là vui, nhưng cũng không ít người lo lắng, bởi tình trạng "tăng lương không theo kịp tăng giá".
Bà Ngọc Điểm, nhân viên văn phòng một công ty ở trung tậm quận 3, TP.HCM cho biết: "Tôi chưa nắm rõ thực tế là tăng như thế nào. Nhưng được tăng cứ vui cái đã. Còn thực tế thì mỗi đợt tăng lương giá cả cũng sẽ tăng theo nên chẳng thể nói gì".
Còn ông P.Q.T, quản lý một doanh nghiệp đặt trụ sở tại Tân Bình cho hay: "Mức lương sau gần 10 năm đi làm, lên tới cấp quản lý của tôi cùng phụ cấp các thứ cũng khoảng 20 triệu đồng hoặc hơn. Công ty có cơ chế lương riêng, chứ không giống hoàn toàn cơ chế lương nhà nước, nên mỗi đợt tăng lương sẽ theo đóng góp của riêng người lao động, cá nhân tôi không quá quan tâm. Theo tôi, mức lương tăng từ 1/7 chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến khu vực công ty nhà nước, viên chức. Nhưng nhìn chung, tăng lương là điều vô cùng tích cực".
Một số giám đốc, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, đang đợi bộ phận kế toán xây dựng lại cơ chế lương mới có thể nhận định. Nhìn chung, các công ty tuân thủ quy định nhà nước, áp dụng đúng cơ chế tăng lương cho người lao động.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Tài chính, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2024 ở mức 4-4,5%; tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu kết hợp với kịch bản điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước định giá, Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng và cập nhật các kịch bản lạm phát để làm cơ sở kiến nghị, tham mưu các biện pháp quản lý, điều tiết giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, trả lời Nhadautu.vn, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) cho biết, TP.HCM có 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức, trong đó, các quận, TP. Thủ Đức và các huyện (Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè) thuộc vùng I, riêng huyện Cần Giờ thuộc vùng II.
"Theo quan sát của chúng tôi, đa số người lao động sẽ đón nhận tăng lương một cách tích cực và phấn khởi, tăng lương tối thiểu vùng là khoản tăng lương bắt buộc theo quy định pháp luật, nó thể hiện sự công nhận và quan tâm của nhà nước đến người lao động có thu nhập thấp.
Việc tăng lương giúp giảm thiểu sự chênh lệch về thu nhập trong xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của người lao động, giúp họ đối phó tốt hơn với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt là trong các vùng có chi phí sống cao và khó khăn. Người lao động có thể có tinh thần làm việc tích cực hơn, có động lực làm việc cao hơn, môi trường làm việc năng động hơn, góp phần tăng năng suất lao động trong doanh nghiệp", đại diện FALMI cho biết.
Giá cả tăng do nhiều nguyên nhân
Trả lời Nhadautu.vn về giá cả của một số mặt hàng thiết yếu thời gian gần đây, bà T. Ngân, chủ một đại lý đầu mối hàng hoá trên địa bàn quận Bình Tân cho biết, giá cả hàng hoá có dấu hiệu tăng mạnh từ đầu năm.
"Một số mặt hàng nhu yếu phẩm như lương thực, cà phê, đường, trà tăng khoảng 15 - 20% từ đầu năm. Giá cả tăng vì nhiều lý do. Các đại lý bán lẻ thì tăng giá phụ thuộc vào đầu mối sỉ, chợ đầu mối hoặc giá của nhãn hàng đưa tới. Tôi nghĩ do tăng lương chỉ là một phần. Nguyên nhân chính do thiếu sản lượng, tăng giá nguyên liệu đầu vào, sản xuất... nhiều yếu tố tác đông tới".
Bà Tuyết, quản lý một siêu thị ở quận Tân Bình cũng đưa ra nhận định tương tự. Theo vị này, giá cả hàng hoá biến động do nhiều yếu tố, dĩ nhiên, tăng lương cũng có ảnh hưởng nhưng không phải nguyên nhân chính.
Đại diện Cục Quản lý giá, bà Lê Thị Tuyết Nhung hy vọng việc tăng lương sẽ không ảnh hưởng lớn đến tăng giá trong những tháng cuối năm.
"Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; đồng thời chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, cũng như triển khai các giải pháp cụ thể", lãnh đạo Cục Quản lý giá lý giải.
Trong đó, tập trung vào các giải pháp như theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp; đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược. Chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả theo mục tiêu đề ra phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí.