Sử dụng hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế để quảng cáo
Ngày 17/4, sản phẩm Tiêu guot Đào Đình Nhuận (gout Đào Đình Nhuận, phòng khám An Lạc, xã An Vinh, Quỳnh Phụ, Thái Bình) từng bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo người tiêu dùng không mua hàng trên trang web https://goutdaodinhnhuan.com/ do có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật, đưa ra một số thông tin không rõ ràng, chưa được kiểm chứng, vi phạm quy định pháp luật.
|
Sản phẩm Tiêu guot Đào Đình Nhuận từng được quảng cáo không đúng sự thật trên một số website.
|
Tuy nhiên, phớt lờ những cảnh báo nêu trên, tại trang web này vẫn tiếp tục quảng cáo trá hình công năng sản phẩm gout Đào Đình Nhuận như thuốc điều trị. Thậm chí, một người đàn ông giới thiệu là lương y tuyên bố chắc nịch: “Tôi cam kết ai bị gout sử dụng đúng liệu trình sẽ khỏi hoàn toàn”.
|
Hình ảnh Lương y Đào Đình Nhuận xuất hiện trong quảng cáo với cam kết chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. |
Đồng thời, sản phẩm này liên tục sử dụng hình ảnh của các y, bác sỹ, đặc biệt là hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến để quảng cáo cho sản phẩm Tiêu gout Đào Đình Nhuận. Ngoài ra, trên một loạt trang web như: http://benhgut.biquyetsongkhoe.asia; https://dongy.thaythuocgiadinh.online cũng đang có dấu hiệu quảng cáo cho sản phẩm guot Đào Đình Nhuận trái với quy định của pháp luật.
|
Trang web https://goutdaodinhnhuan.com/ dùng hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến để quảng cáo cho sản phẩm Tiêu gout Đào Đình Nhuận.
|
Quảng cáo trái khuyến cáo của Bộ Y tế
Trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp (ban hành kèm theo quyết định số 361/QĐ-BYT ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế) chỉ rõ nguyên tắc chung trong điều trị bệnh gout là điều trị viêm khớp trong cơn gout cấp, dự phòng tái phát cơn gout, phòng biến chứng, không giới thiệu bất cứ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào có hiệu quả điều trị khỏi hẳn bệnh gout.
Nhiều tài liệu nghiên cứu y khoa hiện nay cũng khẳng định bệnh gout không thể chữa trị tận gốc, người bị bệnh phải chung sống với nó cả đời. Tuy nhiên, với hình thức quảng cáo có thể điều trị tận gốc bệnh gout thì Gout Đào Đình Nhuận đi ngược với khuyến cáo của Bộ Y tế, đồng thời có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể, khoản 2, Điều 27, Nghị định15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.