Tiếng kêu cứu trong 'nghĩa địa xe đạp'

'Chiếc xe đạp nhỏ màu vàng bị ngã rồi. Giúp tôi với', một giọng nữ liên tục vang lên từ đống xe đạp chất đống, khiến người sống gần đó rợn tóc gáy.

Tại thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc, người dân sống gần một công trường bỏ hoang được dùng làm "nghĩa địa xe đạp" than phiền về việc liên tục phải nghe "lời kêu cứu" từ những chiếc xe. Sự thật là những chiếc xe đạp được lắp cảm biến và có thể phát ra tiếng "kêu cứu" để nhắc nhở những người dùng xe phải dựng đúng cách khi không sử dụng.

Số xe đạp dường như thuộc về Ofo, startup chia sẻ xe với màu vàng nổi bật để phân biệt với các công ty chia sẻ xe khác.

Trong một video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Weibo, một người dân sống gần địa điểm trên cho biết tiếng cầu cứu vang lên từ sáng đến tối, ồn ào đến mức không thể ngủ được. Một số người dân sống gần đó cũng nói rằng những âm thanh lặp đi lặp lại thực sự khiến họ kinh hãi.

Tính năng đó được cho là không chỉ có ở xe đạp Ofo, nhưng mỗi hãng có một giọng nói riêng. Ban đầu, mọi người hoảng hốt bởi âm thanh giống tiếng kêu cứu của con người. Chính quyền địa phương đã vào cuộc để tìm hiểu rõ hơn về tình hình. Trong khi đó, Ofo chưa đưa ra bình luận.

Tieng keu cuu trong 'nghia dia xe dap'
Một "nghĩa địa xe đạp" ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
 

Nhiều người dùng mạng xã hội so sánh tình trạng này với bộ phim khoa học viễn tưởng có tên Black Mirror nói về bi kịch khi con người để mặc cho công nghệ kiểm soát.

5 năm trước, cơn sốt chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc bùng lên mạnh mẽ, thu hút hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư, các công ty khởi nghiệp và tiền ký quỹ của người sử dụng. Nhưng đế chế chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc nhanh chóng sụp đổ, khiến hàng triệu chiếc xe bị vứt ra "nghĩa địa" trên khắp đất nước.

Ofo là một trong những startup chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc chiến chia sẻ xe đạp tàn khốc tại thị trường Trung Quốc, nơi có hàng chục công ty khởi nghiệp mô hình này cạnh tranh thị phần. Kể từ khi "bong bóng chia sẻ xe đạp" bắt đầu vỡ vào năm 2018, Ofo đã phải vật lộn để trả lại tiền đặt cọc cho người dùng. Ứng dụng Ofo, từng được sử dụng để định vị và cho thuê xe đạp, giờ đây là một ứng dụng mua sắm cung cấp loạt sản phẩm như đồ điện tử, đồ ăn nhẹ và quần áo.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào đầu năm nay, tình hình kinh doanh của các startup chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc đã có tín hiệu tích cực trở lại, do người dân lo ngại nguy cơ lây nhiễm trong các phương tiện giao thông công cộng. Dù lượng người sử dụng dịch vụ tăng lên, giới quan sát vẫn khá hoài nghi về việc các startup chia sẻ xe đạp liệu có thể sống sót sau khi đại dịch qua đi hay không. Hiện tại, thói quen di chuyển bằng các phương tiện công cộng như xe buýt và tàu điện ngầm đã gần như trở lại bình thường tại hầu hết các tỉnh, thành phố của Trung Quốc.

Sơn Nam (Theo SCMP)/Ngôi sao

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN