Thuốc diệt côn trùng khiến hơn 40 công nhân bị ngộ độc nguy hiểm ra sao?

Ngày 12/8, các công nhân đang làm việc tại công ty Grand Wood thuộc ấp 1, xã Hội Nghĩa, TX. Tân Uyên, Bình Dương bất ngờ ngất xỉu hàng loạt. Có hơn 40 người phải nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc thuốc diệt côn trùng.
Công ty TNHH Grand Wood (Chuyên sản xuất bàn ghế nội thất xuất khẩu sang Châu Âu) thuộc ấp 1, xã Hội Nghĩa, TX. Tân Uyên, Bình Dương. Vào thời điểm trên, khi hàng trăm công nhân đang làm việc thì có biểu hiện khó thở, nôn ói rồi ngất xỉu. Ngay sau đó, các công nhân khác đã nhanh chóng chuyển nạn nhân đến Trung tâm Y tế TX. Tân Uyên để cấp cứu.
Thuoc diet con trung khien hon 40 cong nhan bi ngo doc nguy hiem ra sao?
Trung tâm Y tế TX. Tân Uyên, nơi đang điều trị cho các công nhân ngộ độc. Ảnh: Tiền Phong. 
Theo thông tin từ phía Trung tâm Y tế TX. Tân Uyên, tính đến nay có hơn 40 công nhân đang được điều trị. Nguyên nhân được cho là do ngộ độc thuốc diệt côn trùng.
Làm việc với cơ quan chức năng, lãnh đạo Công ty Grand Wood cho biết, do công ty sản xuất đồ gỗ phải phun thuốc diệt mối, mọt định kỳ nên đã thuê người đến xịt thuốc tiêu diệt. Có thể do thuốc chưa bay hết mùi, các công nhân đến làm việc hít phải dẫn đến ngộ độc.
Sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng như muỗi, mối, gián, kiến... trong gia dụng và y tế hiện nay rất phổ biến. Tuy nhiên nếu không hiểu rõ về cách sử dụng thì dễ bị ngộ độc các loại hóa chất này.
Việc sử dụng những loại thuốc diệt côn trùng một cách tràn lan, không hướng dẫn, không liều lượng đã và đang là thực trạng của rất nhiều hộ gia đình. Cùng với đó, những nguy hiểm tiềm ẩn là không nhỏ.
Thuoc diet con trung khien hon 40 cong nhan bi ngo doc nguy hiem ra sao?-Hinh-2
Tùy tiện sử dụng thuốc diệt côn trùng có thể tác động lên hệ thần kinh con người, gây đau đầu, chóng mặt và có thể gây ngộ độc cấp tính. Ảnh: Internet. 
Theo TS. Nguyễn Tuyết Phương - Phó trưởng khoa Hóa lý, ĐH KHTN TP.HCM, thành phần của các loại thuốc diệt côn trùng thường là một số chất hóa học tổng hợp thuộc nhóm Pyrethroids như Tetramethrin, Cypermethrin, imiprothrin… là những hợp chất có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước và tác động tiêu cực lên con người, vật nuôi.
Nếu được sử dụng trong một mức lưu lượng nhất định thì không gây nguy hại, nhưng nếu tùy tiện sử dụng chúng sẽ tác động lên hệ thần kinh, gây đau đầu, chóng mặt và có thể gây ngộ độc cấp tính nếu dính đến thức ăn, nguồn nước, đặc biệt với những thuốc có tác dụng tiêu diệt côn trùng nhanh, mạnh…
Còn theo ông Mai Đình Thắng, Phòng Côn trùng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM thì những quy định về việc sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng đã được Bộ Y tế ban hành từ rất lâu.
Việc người dân tự ý sử dụng tùy tiện, tràn lan những loại thuốc diệt côn trùng trong thời gian dài sẽ khiến côn trùng kháng thuốc, nhờn hóa chất và nguy hại đến sức khỏe con người. Những vấn đề thường gặp nhất là gây dị ứng và thương tổn đường hô hấp, đặc biệt đối với trẻ em. Đồng thời sẽ tác động xấu đến môi trường sống.
Ông Thắng lưu ý nên để thuốc diệt côn trùng tránh xa trẻ em, tránh xa thức ăn, nguồn nước. Cần thường xuyên dọn vệ sinh quanh khu vực sống để thoáng mát, giữ gìn sạch sẽ nhà cửa là cách tốt nhất để tiêu diệt các loài côn trùng. Đối với những loài côn trùng mới phát sinh như bọ xít hút máu người thì chỉ nên thực hiện bắt thủ công, soi đèn bắt vào ban đêm.
“Nếu chẳng may để thuốc dính vào mắt, vào da thì cần rửa sạch ngay với nước sạch trong thời gian sớm nhất có thể. Nếu hít phải thuốc xịt thì cần phải cách ly ra khỏi môi trường có hơi thuốc đến nơi thoáng mát. Và nếu ngộ độc thuốc diệt côn trùng với những biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, khó thở… cần phải được đưa đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt”, ông Thắng cho hay.
Bộ Y tế đã nhiều lần ban hành hướng dẫn lựa chọn, sử dụng an toàn hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng trong gia dụng tại Việt Nam.
Theo đó, Bộ Y tế cảnh báo các triệu chứng ngộ độc hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng dùng trong gia dụng và y tế và các biện pháp sơ cứu, cấp cứu đều được ghi rõ trên nhãn sản phẩm. Vì vậy trước khi sử dụng người dân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên mẫu nhãn sản phẩm.
Thảo Nguyên (TH)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN