Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ: Điểm tên các công ty dược vi phạm

Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) vi phạm pháp luật về quảng cáo, sản phẩm chứa thành phần chất cấm... vẫn gia tăng, dù cơ quan chức năng liên tục giám sát, cảnh báo, xử phạt.   
Thời gian qua, Cục ATTP (Bộ Y tế), cơ quan chức năng liên quan đã mạnh tay xử phạt cảnh báo nhiều đơn vị kinh doanh Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) vi phạm sản xuất chứa thành phần chất cấm, quảng cáo “vống” công dụng Thực phẩm chức năng (TPCN) gây hiểu nhầm TPBVSK là thuốc trị bệnh... Tuy nhiên, những sai phạm trên như chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Thuc pham bao ve suc khoe: Diem ten cac cong ty duoc vi pham
Những quảng cáo TPCN sai phạm chưa có dấu hiệu giảm.
Hàng loạt công ty chịu trách nhiệm chất lượng TPBVSK sai phạm
TPBVSK Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh bổ sung nội tiết tố nữ, do Công ty TNHH Tuệ Linh (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm, sai phạm quảng cáo khống công dụng TPBVSK; sử dụng hình ảnh các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm... 
 Công ty CP Dược phẩm Thái Minh (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chịu trách nhiệm phân phối TPBVSK Tràng phục linh Plus hỗ trợ bảo vệ niêm mạc đại tràng, quảng cáo TPCN không phù hợp với hồ sơ công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
TPBVSK Phục Thần Đan dưỡng tâm, an thần... do công ty TNHH Health Promotion (số 722 đường Vũ Hữu Lợi, xã Nam Vân, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) chịu trách nhiệm sản phẩm, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo trên https://phucthandan.com.
Thuc pham bao ve suc khoe: Diem ten cac cong ty duoc vi pham-Hinh-2
Sử dụng hình ảnh nghệ sĩ, diễn viên để quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng.
Gần đây nhất là TPBVSK men vi sinh MediSpores Biota do Công ty TNHH Dược Phẩm Tâm Mỹ An (quận Ba Đình, TP Hà Nội) chịu trách nhiệm sản phẩm, “nổ” công dụng chống ung thư, tiêu diệt vi khuẩn H.pylori, điều trị viêm đại tràng, viêm túi thừa.... dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép.
Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và thương mại Phúc Đầy (Q.Ba Đình, Hà Nội) chịu trách nhiệm chất lượng TPBVSK FUMANBREAK hỗ trợ sinh lý nam (Số lô: 012022, NSX: 22/08/2022; HSD: 21/08/2025; số ĐKSP: 2483/2022/ĐKSP) bị phát hiện chứa chất cấm Sildenafil, phải thu hồi sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế từng cảnh báo 3 TPBVSK sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển (Điểm công nghiệp Đan Phượng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) chứa chất cấm Sildenafil nguy hiểm sức khoẻ: TPBVSK Bổ hoàn dương plus, Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý, Giấm táo Slim hỗ trợ giảm béo.
Thuc pham bao ve suc khoe: Diem ten cac cong ty duoc vi pham-Hinh-3
Sử dụng hình ảnh các chuyên gia y tế quảng cáo thực phẩm chức năng.
Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia phát hiện 6 mẫu sản phẩm TPBVSK có chứa chất cấm Sibutramine, thuộc các doanh nghiệp sản xuất và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm như: Công ty CP thiết bị y tế Fitness store (Cổ điển A, Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), Công ty TNHH thương mại thực phẩm Nam Phát (P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP HCM), Công ty CP kinh doanh và phát triển Thiên Phát (Q.Thủ Đức, TP HCM), Công ty TNHH dược phẩm Hải Linh (TP Chí Linh, Hải Dương)...
Viên xương khớp Japan chứa chất cấm Diclofenac (4,85 mg/g), do Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Japan (P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP HCM) chịu trách nhiệm chất lượng....
Để lại hậu quả xấu cho sức khỏe
Từ những quảng cáo khống công dụng TPBVSK, sản xuất TPBVSK chứa thành phần chất cấm, đã khiến không ít người tiêu dùng tin tưởng sử dụng để lại hậu quả khôn lường cho sức khoẻ.
Thuc pham bao ve suc khoe: Diem ten cac cong ty duoc vi pham-Hinh-4
Bệnh nhân lọc máu tại BV Bình Dân - Ảnh: BVCC  
Chị T.T.M.N. (22 tuổi, ngụ Bình Dương) đã mua 250 viên TPBVSK được quảng cáo là thuốc giảm cân với giá 500.000 đồng, uống liên tục trong 1 tháng. Thời gian đầu dùng thuốc, chị N. thấy đi tiểu nhiều hơn và giảm được khoảng 6kg. Tuy nhiên, sau đó chị thường xuyên thấy mệt mỏi, mất ngủ, cơ thể kiệt sức.
Được chuyển đến bệnh viện Bình Dân (TP HCM) chị N. đã trong tình trạng chân, tay sưng phù, xuất huyết tiêu hóa, khoang màng phổi có nhiều dịch, suy gan cấp, độ thanh thải creatinine thấp (phản ánh độ lọc cầu thận), kèm theo tình trạng rối loạn điện giải đe dọa tính mạng, được xác định suy thận có liên quan đến loại thuốc giảm cân chị N. đã uống trước đó.
Các bác sĩ khoa Lọc máu - Nội thận, BV Bình Dân đã tích cực cứu chữa, chị N. qua cơn nguy kịch nhưng chức năng thận không thể hồi phục do những tổn thương vĩnh viễn. Hiện chị N. phải lọc máu định kỳ một tuần 3 lần, kinh tế kiệt quệ.
Thuc pham bao ve suc khoe: Diem ten cac cong ty duoc vi pham-Hinh-5
 BN V.T.T. đang được các bác sĩ BV Da liễu TPHCM điều trị bệnh sau nhiễm độc TPCN - Ảnh: BVCC
Bệnh nhân V.T.T. (25 tuổi, Lâm Đồng) tin dùng TPCN quảng cáo trị vảy nến khiến da xuất hiện ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi...
Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP HCM chẩn đoán, chị T. bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) sau sử dụng thực phẩm chức năng, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM), cho rằng việc nở rộ hình thức quảng cáo TPCN thông qua người nổi tiếng, y bác sĩ... thời gian qua báo động tình trạng xuống cấp đạo đức kinh doanh. Để khắc phục tình trạng này, một mặt cần kêu gọi từ chính lương tâm của những người nổi tiếng tham gia quảng cáo.
Cùng với đó, hơn hết rất cần các chế tài xử lý nghiêm, nội dung này cần được quy định rõ trong Luật Quảng cáo, cảnh tỉnh đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp dược chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm.
Thuc pham bao ve suc khoe: Diem ten cac cong ty duoc vi pham-Hinh-6
Men vi sinh được quảng cáo chống ung thư dạ dày, điều trị HP, viêm đại tràng... 
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm từng cho rằng, có hơn 90% quảng cáo thực phẩm chức năng qua mạng xã hội không đúng sự thật.
“An toàn thực phẩm liên quan đến TPCN đang được đặt ra một cách quyết liệt hơnbởi không thể để tiếp diễn tình trạng bát nháo, “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay.
 Cơ quan chức năng đang tiếp tục tăng cường công tác thanh  tra, kiểm tra, áp dụng biện pháp rút giấy phép đối với các cơ sở vi phạm, công bố công khai tên cơ sở,tên sản phẩm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Phong nói.
Quỳnh Hương

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN