Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ thận An Vương và Bứa Nari vi phạm quảng cáo

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ thận An Vương và Bứa Nari đang được quảng cáo trên một số website và trang mạng xã hội gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế vừa phát đi cảnh báo về việc phát hiện thực phẩm sức khỏe Bổ thận An Vương, Bứa Nari quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
Theo Cục ATTP, trong thời gian vừa qua trên một số website, trang mạng xã hội gồm: https://vnconsumer.com/community/threads/thực-phẩm-bảo-vệ-sức-khỏe-bỔ-thẬn-an-vƯƠng-số-công-bố-440-2022-Đksp.13332/ quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Bổ thận An Vương vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm. Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi chưa được cấp giấy xác nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ thận An Vương (địa chỉ trụ sở chính: Tầng 1, tòa nhà Packsimex, 52 Đông Du, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Thuc pham bao ve suc khoe Bo than An Vuong va  Bua Nari vi pham quang cao
 
Cùng với sản phẩm Bổ thận An Vương nêu trên, Cục An toàn thực phẩm cũng đã phát đi cảnh báo về thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Bứa Nari do vi phạm pháp luật về quảng cáo trên một số website và trang mạng xã hội.
Cục ATTP cho biết thêm, đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý vụ việc. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục ATTP đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm.
Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cần phải lưu ý rằng đây không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Liên quan đến quy định quảng cáo tại Điều 34 Luật An toàn thực phẩm cũng quy định: Người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận.
Theo Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, việc quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng. Không chỉ vậy, hành vi quảng cáo gian dối cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ Luật hình sự 2015 (tội Quảng cáo gian dối).
Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cần lưu ý rằng đây không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Trước khi sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: "thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.
Khi lựa chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Khi mua sản phẩm, cần yêu cầu người bán đưa hóa đơn/đơn hàng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.
Hồng Quyên

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN