Chữa bệnh, quảng cáo “chui”
Ngày 4/3/2024, Thanh tra Sở Y tế TP HCM công bố các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực y tế. Trong đó, ông Phạm Nam Viên, Chủ hộ kinh doanh Medic Skin (Thẩm mỹ Medic Skin, tại 515A đường Nguyễn Tri Phương, phường 8, quận 10) bị phạt 60 triệu đồng.
Theo cơ quan chức năng, Thẩm mỹ Medic Skin vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế “Sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ”.
Thẩm mỹ Medic Skin còn quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép khám, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Ngoài phạt tiền, Thẩm mỹ Medic Skin bị đình chỉ hoạt động 4,5 tháng; buộc tháo dỡ, tháo gỡ, xóa quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề.
Thanh tra Sở Y tế cũng xử phạt bà Trần Thị Minh Ngọc, Kỹ thuật viên làm việc tại Thẩm mỹ Medic Skin, 35 triệu đồng, vì khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.
|
Thẩm mỹ Medic Skin vẫn mở cửa, nhiều người ra vào, tại thời điểm PV khảo sát lúc hơn 10h ngày 20/3. Ảnh: Hữu Thông. |
Theo hệ thống tra cứu thông tin của Sở Y tế TP HCM, Thẩm mỹ Medic Skin (địa chỉ 515A Nguyễn Tri Phương, phường 8, quận 10, TP HCM) được cấp phép hoạt động ngày 20/1/2021. Loại hình cấp phép hoạt động là cơ sở chăm sóc da, không được làm dịch vụ thẩm mỹ.
|
Thông tin trên hệ thống tra cứu của Sở Y tế TP HCM, Thẩm mỹ Medic Skin không được làm dịch vụ thẩm mỹ và cũng không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh. Ảnh chụp màn hình. |
Vẫn hoạt động bất chấp quyết định xử phạt?
Cơ sở Thẩm mỹ Medic Skin bị đình chỉ 4,5 tháng, kể từ khi Thanh tra Sở Y tế TP HCM ra quyết định xử phạt ngày 4/3/2024. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, cơ sở thẩm mỹ này có dấu hiệu vẫn hoạt động.
Cụ thể, thời điểm hơn 10h ngày 20/3, cơ sở tại địa chỉ 515A Nguyễn Tri Phương, phường 8, quận 10, TP HCM, vẫn mở cửa, bên trong sáng đèn. Nhiều người mặc đồng phục màu đen và trang phục giống nhân viên y tế đang nói chuyện với phụ nữ mặc áo trắng. Bên ngoài dựng nhiều xe máy, phía trên treo 2 bảng hiệu: Bảng lớn ghi “Medic Skin” có gắn logo giống logo hệ thống Viện thẩm mỹ Quốc tế Medic Skin; bảng nhỏ ghi: “Thẩm Mỹ Medic Skin, 515A Nguyễn Tri Phương, quận 10 - điện thoại: 0369.258.999”.
|
Thông tin xử phạt Thẩm mỹ Medic Skin. Ảnh: Thanh tra Sở Y tế
TP HCM.
|
Trong vai khách hàng có nhu cầu làm đẹp, PV liên hệ số điện thoại trên, người phụ nữ nghe máy hỏi khách ở tỉnh nào và báo sẽ cho người gọi lại. Sau đó, một nhân viên nữ khác gọi lại, tự giới thiệu tên Vũ Niên, trợ lý bác sĩ ở Viện chuyên giảm béo Quốc tế Medic Skin. Sau khi tư vấn dịch vụ, nhân viên này hướng dẫn khách đến địa chỉ 515A Nguyễn Tri Phương, phường 8, quận 10, TP HCM để làm đẹp.
“Để cải thiện tình trạng mỡ thừa, bên em đang ứng dụng công nghệ siêu hủy mỡ Slim Promax. Hôm nay đang có trương trình ưu đãi, từ 3 triệu đồng/1 buổi điều trị, giảm còn 299 nghìn đồng/buổi…”, người giới thiệu tên Vũ Niên nói.
Khám, chữa bệnh không phép bị xử lý thế nào?
Luật sư Võ Quang Vinh (Đoàn Luật sư tỉnh Trà Vinh) cho hay, thời gian qua, cơ quan chức năng xử lý rất nhiều cơ sở tổ chức khám, chữa bệnh “chui”.
Ông Vinh dẫn quy định tại điểm a khoản 6 và điểm b khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, trường hợp cá nhân có hành vi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng. Đối với tổ chức, mức phạt gấp đôi của cá nhân. Đơn vị vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 12 đến 24 tháng.
Tùy tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép, nếu gây tổn hại sức khỏe hoặc làm chết người hay đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà tiếp tục tái phạm, có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
“Tình trạng quảng cáo, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa đủ điều kiện diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Do đó, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm”, luật sư Vinh nhấn mạnh.
Mặc dù pháp luật có quy định rất rõ ràng, nhưng không ít cơ sở không phép vẫn hoạt động “chui”. Thời gian qua, bác sĩ tại các bệnh viện trên địa bàn TP HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Trưng Vương, Da liễu… cấp cứu, điều trị nhiều trường hợp tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ.
Thống kê của Bệnh viện Da liễu TP HCM cho hay, số ca tai biến thẩm mỹ nội khoa đến khám và điều trị tăng qua các năm. Năm 2023 là 608 ca, tăng 70 ca so với năm 2022, tăng 391 ca so với năm 2021 và tăng 200 ca so với năm 2020.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Da liễu TP HCM, lo ngại, có đến 77,8% người gây tai biến thẩm mỹ nội khoa không phải bác sĩ; 15,3% bệnh nhân không nhận định được đó có phải bác sĩ hay không; tai biến do bác sĩ gây ra chỉ 6,9%.
Các nguyên nhân gây ra tai biến có thể là thiết bị lỗi, hỏng do không được kiểm định; sản phẩm chưa qua kiểm định; sự phối trộn giữa nhiều sản phẩm khác nhau, không đảm bảo điều kiện vô khuẩn; các cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép.
Theo PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP HCM, đa số ca tai biến thẩm mỹ được thực hiện tại cơ sở không phép. Đó là các tiệm làm tóc, móng, cơ sở chăm sóc da nhưng vẫn thực hiện thủ thuật, kỹ thuật xâm lấn, dễ dẫn đến biến chứng như nhiễm trùng, hoại tử, tổn thương bộ phận cơ thể (thủng mũi, mù mắt…).
Theo Sở Y tế TP HCM, địa bàn TP có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (thuộc nhóm 3, do Bộ Y tế cấp phép hoạt động - bệnh viện thẩm mỹ - hoặc Sở Y tế cấp phép hoạt động - phòng khám thẩm mỹ), 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da (thuộc nhóm 2, cơ sở đã gửi văn bản thông báo đủ điều kiện đến Sở Y tế và được công bố trên Cổng thông tin), và nhiều cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng (thuộc nhóm 1, do UBND quận, huyện hoặc Sở KHĐT cấp phép hoạt động).
Một khó khăn không nhỏ cho cả người dân và cơ quan quản lý khi chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về biển hiệu của các cơ sở cung ứng “dịch vụ làm đẹp”, hiện tượng phổ biến đó là hầu hết biển hiệu của các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp đều chọn tên “Thẩm mỹ viện…” hay “Viện thẩm mỹ…”.
Thực tế, qua thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm cơ sở chăm sóc da (spa), cắt tóc, gội đầu, làm móng (nhóm 1) và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da (nhóm 2) đã phát hiện, xử lý nghiêm một số đơn vị sử dụng thuốc tê dạng tiêm, cung cấp dịch vụ làm đẹp trái phép.
Sở Y tế TP HCM yêu cầu các Phòng Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức trực thuộc UBND quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục tăng cường tham mưu cho UBND quận, huyện triển khai quyết liệt các giải pháp giúp quản lý chặt hơn nữa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn người hành nghề và cơ sở hành nghề làm đẹp trái phép trên địa bàn; đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm quảng cáo quá phạm vi cho phép (quảng cáo trên biển hiệu, quảng cáo trên báo, đài, trên mạng xã hội,…).
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP HCM kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan quy định chặt hơn nữa về biển hiệu của cơ sở làm đẹp, tăng nặng các mức xử phạt đủ sức răn đe đối với hành vi cố tình vi phạm pháp luật…