Shark Liên thôi CEO sông Đuống, còn sông Đà đã lộ hung thủ đầu độc chưa?

Khi dư luận lùm xùm giá nước sạch sông Đuống cao gấp đôi nước sạch sông Đà, Shark Liên bất ngờ thôi CEO Công ty CP nước mặt sông Đuống. Liên quan đến vụ việc nước sạch sông Đà bị ô nhiễm, dư luận hiện vẫn đặt câu hỏi: Liệu đã “lộ” hung thủ “đầu độc” hay chưa?
Dư luận gần đây nóng với cả nhà máy nước sông Đà của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà và nhà máy nước sông Đuống của Công ty CP nước mặt sông Đuống. Hai đơn vị cấp nước cho hàng triệu người dân TP Hà Nội.
Nếu nhà máy nước sông Đà ầm ĩ vụ nước sạch bị “đầu độc” bởi dầu thải khiến hàng vạn người dân khu vực Tây Nam TP Hà Nội khốn khổ, thì Nhà máy nước sạch sông Đuống lại làm ồn áo dư luận về giá nước được TP Hà Nội chấp thuận 10.246 đồng/m3 đắt gấp đôi nước sạch sông Đà, thậm chí người dân phải gánh lãi tiền nước 2.100 đồng/m3.
Mới đây, thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đến ngày 19/11 cho thấy, bà Đỗ Thị Kim Liên (vị Shark trong chương trình Shark Tank Việt Nam) đã chính thức rời ghế Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống.
Thay thế vị trí của bà Liên là ông Tạ Đức Hoàng (SN 1980, có hộ khẩu thường trú tại 5B7, Tập thể Quân đội, Học viện Quốc phòng, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội), thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Nước mặt Sông Đuống, đồng thời là Tổng giám đốc Tập đoàn Aqua One (công ty mẹ của Nước mặt Sông Đuống). Dù rời vị trí Tổng giám đốc nhưng Shark Liên vẫn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty.
Shark Lien thoi CEO song Duong, con song Da da lo hung thu dau doc chua?
Nhà máy nước sạch Sông Đuống. 
Đáng chú ý, cùng với việc thay đổi vị trí Tổng giám đốc, Công ty CP Nước mặt sông Đuống cũng thay đổi thông tin về vốn điều lệ và bổ sung thêm một loạt các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
Các cổ đông này chủ yếu đến từ Thái Lan, bao gồm ông Natthapatt Tanboon-Ek, sinh năm 1970, thành viên Ban Kiểm soát; bà Jareeporn Jarukornsakul, sinh năm 1967, thành viên Hội đồng quản trị; ông Vivat Jiratikarnsakil, sinh năm 1956, thành viên Hội đồng quản trị; ông Wisate Chungwatana, sinh năm 1967, thành viên Hội đồng quản trị.
Có hai nhân sự người Việt khác là ông Nguyễn Trọng Dũng, sinh năm 1958, thành viên Ban Kiểm soát; và bà Lương Thị Mai Hương - Kế toán trưởng.
Dư luận lại quay sang đặt câu hỏi: Khi nào cơ quan điều tra sẽ công bố kết luận về hung thủ “đầu độc” nước sạch sông Đà?
Thời điểm hiện tại đã hơn 1 tháng xảy ra vụ xảy dầu thải đầu độc nước sông Đà khiến hàng vạn hộ dân phía Tây Nam TP Hà Nội phải khốn khổ vì nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm hóa chất từ dầu thải, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình vẫn đang điều tra làm rõ và chưa công bố thêm thông tin về quá trình điều tra.
Trước đó, ngày 17/10/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã tạm giữ hình sự 2 đối tượng Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám, thủ phạm đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước Sông Đà; đồng thời tạm giữ các phương tiện liên quan đến vụ án. Ngày 20/10, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh vận động Lý Đình Vũ ra đầu thú.
Ngày 23/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam 2 tháng để phục vụ công tác điều tra đối với 3 bị can Lý Đình Vũ, Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám thực hiện hành vi xả chất thải gây ô nhiễm nguồn cung cấp nước thô cho Nhà máy nước sạch Sông Đà cung cấp cho người dân Hà Nội. Các đối tượng này bị khởi tố, bắt giam về tội "Gây ô nhiễm môi trường”, theo Khoản 2, Điều 235 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Shark Lien thoi CEO song Duong, con song Da da lo hung thu dau doc chua?-Hinh-2
Dư luận đặt câu hỏi, liệu có đối tượng chủ mưu đằng sau 3 đối tượng đổ dầu thải sông Đà đã bị khởi tố, bắt giam? 
Theo lời khai của Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám khai, ngày 6/10 hai người được Lý Đình Vũ thuê lái ôtô tải đi từ Bắc Ninh đến Công ty gạch Thanh Hà (Phú Thọ) lấy 10m3 chất thải. Ngày 8/10, Đại, Thám và Vũ đưa chất thải lên đổ trộm ở khe núi xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình.
Đối tượng Lý Đình Vũ khai nhận ban đầu cho biết, Vũ được 1 người phụ nữ tên là Trang ở Phú Thọ thuê đổ chất thải. Người phụ nữ yêu cầu Vũ đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) lấy chất thải, sau đó đem đến chỗ nào vắng người thì đổ. Sau khi thoả thuận với người phụ nữ tên Trang, Lý Đình Vũ quay về Bắc Ninh thuê Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám đi lấy chất thải để đổ.
Theo biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra Cục Cảnh sát môi trường – Bộ Công an ngày 19/10 cho thấy, giữa Nguyễn Thị Huyền Trang (nhân vật được Vũ nhắc đến trong lời khai ban đầu, đồng lời là con gái Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà) và Lý Đình Vũ từng có thỏa thuận để xử lý dầu thải và bà Trang sẽ trả cho Vũ số tiền đề thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít.
Từ thỏa thuận trên, Vũ đã cho người đến Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà lấy lượng dầu thải gần 9.000 kg mang đi đổ ở suối Trầm gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà. Tuy nhiên, hiện thông tin liên quan đến vấn đề trên mới chỉ dừng lại ở thông tin Công an làm việc với bà Trang qua lời của ông Nguyễn Đức Truyền.
Cũng theo biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra Cục Cảnh sát môi trường – Bộ Công an ngày 19/10 cho thấy, công ty này có nhiều vi phạm trong quản lý, chuyển giao chất thải nguy hại tại công ty này như quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định (ví dụ cụ thể, CTH đã chuyển giao 8.830 kg dầu thải cho các đối tượng mang đi xử lý). Tuy nhiên, Công ty không ký hợp đồng, không thu thập hồ sơ tư cách pháp nhân về chức năng xử lý chất thải nguy hại của các đối tượng nêu trên.
Đến thời điểm này, dư luận vẫn đặt câu hỏi, liệu có “hung thủ” đứng sau ba đối tượng liên quan trực tiếp đến hành vi đổ dầu thải khiến nước sông Đà bị nhiễm dầu, nếu có đã “lộ diện” chưa? Đồng thời đã làm rõ trách nhiệm của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà và làm rõ việc có hay không sự liên quan của Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà hay chưa?
Mời độc giả xem clip Chủ tịch Hà Nội: "Không bù giá nước sạch sông Đuống" - Nguồn VTC1:
  
Tâm Đức

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN