Nhiều dấu hiệu quảng cáo trái quy định
Dù chỉ là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng dễ thấy sản phẩm xương khớp Mộc Thanh quảng cáo “loan tin” có khả năng điều trị các bệnh về xương khớp như đau khớp gối, đau lưng, đau vai gáy, thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, gai đốt sống, đi lại vận động khó khăn.
Sản phẩm này được quảng cáo “chấm dứt nỗi đau bệnh xương khớp độc đáo, phương pháp vàng cho những người đang bị nỗi đau xương khớp hành hạ. Nếu bỏ qua thì cả đời cũng không chữa khỏi được”. Đỉnh điểm, quảng cáo khẳng định đã giúp hơn 85.000 người thoát khỏi bệnh xương khớp. Có kết quả “thần kỳ” như vậy, sản phẩm nêu ra cơ chế “tấn công” và hỗ trợ điều trị dứt điểm của bệnh như loại thuốc điều trị thứ thiệt.
|
Sử dụng hình ảnh y, bác sỹ để quảng cáo cho sản phẩm xương khớp Mộc Thanh.
|
Đặc biệt, sản phẩm này còn sử dụng hình ảnh Ths. Bác sỹ Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm Khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương 108 để quảng cáo giới thiệu. Chưa hết, sản phẩm xương khớp Mộc Thanh còn gắn với hàng loạt hình ảnh, câu chuyện của khách hàng, các nghệ sỹ chia sẻ về công dụng và hiệu quả dưới dạng tin nhắn cảm ơn, nhận xét về sản phẩm trước và sau khi dùng lên trang website.
Thực chất là thực phẩm chức năng
Được biết, sản phẩm xương khớp Mộc Thanh là sản phẩm của Công ty TNHH HBG, địa chỉ ở tòa nhà 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, đăng ký theo số công bố 1026/2018/ĐKSP do Cục An toàn thực phẩm cấp.
Theo giấy phép được cấp, sản phẩm xương khớp Mộc Thanh chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có tác dụng hỗ trợ tăng cường chức năng xương khớp. Sản phẩm phân phối theo hình thức bán hàng online, khách hàng chỉ cần để lại số điện thoại sẽ có người gọi điện tư vấn, thăm khám bắt bệnh.
Theo tìm hiểu, hiện Công ty HBG không còn hoạt động tại địa chỉ nêu trên từ rất lâu.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.