Là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng trên nhiều trang web, mạng xã hội, một số sản phẩm lại được công khai quảng cáo có công dụng “điều trị” như loại thuốc chữa các bệnh, vi phạm quy định về quảng cáo, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Chính bởi những lời quảng cáo có cánh như trên mà không ít sản phẩm được giới thiệu như một loại thuốc đặc trị, đã dùng là cam kết điều trị tận gốc, không tái phát.
Cụ thể, cơ chế của sản phẩm này được giới thiệu ở các giai đoạn có tác dụng kháng viêm, làm sạch và ức chế khuẩn HP gây ung thư, làm sạch các ổ viêm loét… Thậm chí, một số quảng cáo còn khẳng định “90% bệnh nhân thấy hiệu quả rõ rệt ngay sau một liệu trình, bà con yên tâm sử dụng…”.
Không chỉ sử dụng hàng loạt hình ảnh khách hàng, thư tín cảm ơn giới thiệu sản phẩm như vị thuốc có khả năng “đánh bay” căn bệnh dạ dày dù cấp tính, mãn tính, thậm chí cả lâu năm, để làm nền cho việc quảng cáo, sản phẩm còn gắn với hình ảnh của nhiều y, bác sỹ ở những trung tâm y tế đầu ngành tư vấn cách điều trị hiệu quả.
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ra thông báo số 21/ATTP-NĐTT về việc quảng cáo thực phẩm chức năng. Trong công văn, Cục này cho biết, một số trang mạng xã hội sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểm lầm cho người sử dụng.
Điều này vi phạm khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các bệnh viện trực thuộc Trung ương rà soát và thông báo đến toàn thể nhân viên về việc sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị để quảng cáo thực phẩm là vi phạm Luật An toàn thực phẩm.
Với hàng loạt những chiêu trò quảng cáo nhằm lừa dối người tiêu dùng, đánh tráo khái niệm công dụng sản phẩm vì mục đích lợi nhuận thì những lời cam kết trên của đơn vị kinh doanh những sản phẩm thực phẩm chức năng này cũng chỉ vô nghĩa, không có uy tín.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.