Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, chỉ từ ngày 7 đến 13/9, ghi nhận thêm 399 trường hợp mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội (tăng 171 trường hợp so với tuần trước đó).
Số ca mắc mới phân bố tại 163 xã, phường, thị trấn, tập trung tại một số quận, huyện vùng ven, như: Quận Nam Từ Liêm 48 ca, quận Hoàng Mai 33 ca, quận Hà Đông 23 ca, huyện Thường Tín 57 ca, huyện Thanh Oai 26 ca.
Như vậy, lũy tích từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.201 trường hợp mắc sốt xuất huyết (trong đó có 2 trường hợp tử vong), giảm so với cùng kỳ của năm 2019 (4.083 trường hợp).
|
Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.201 trường hợp mắc sốt xuất huyết (trong đó có 2 trường hợp tử vong). |
Trước tình hình sốt xuất huyết gia tăng nhanh và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành ở Hà Nội, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Trung tâm y tế các quận, huyện cần quyết liệt triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, thực hiện triệt để các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với mục tiêu tất cả hộ gia đình, khu công cộng, cơ quan, xí nghiệp, trường học được kiểm tra vệ sinh môi trường định kỳ thường xuyên.
Đặc biệt, tại khu vực có bệnh nhân, thực hiện phương châm "vào từng ngõ, gõ từng nhà", lực lượng cộng tác viên, đội xung kích sẽ kiểm tra từng hộ gia đình để hướng dẫn, giám sát hoạt động diệt bọ gậy.
Mời độc giả xem video "Singapore mở trại nuôi muỗi chống sốt xuất huyết". Nguồn: THDT.
Biến chứng nguy hiểm
Chia sẻ thông tin về bệnh sốt xuất huyết, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong những ngày đầu tiên mắc sốt xuất huyết, biểu hiện sốt khá giống với các bệnh sốt do virus cấp tính. Người bệnh thường sốt cao liên tục, khi dùng hạ sốt có thể lui sốt nhưng lại có thể sốt tăng trở lại nhanh chóng sau 3-4 tiếng.
Bệnh này có hai biến chứng hay gặp là hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Trong đó, biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó, nhiều người khoẻ mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt. Ngược lại, biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24-48 giờ.
Cả hai biến chứng này đều gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, biến chứng chảy máu thường dễ nhận biết và ít khi bị bỏ qua, biến chứng còn lại khó tự nhận biết, thậm chí đến giai đoạn sốc người bệnh mới tự phát hiện ra. Do đó, nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo các biến chứng trên là điều rất quan trọng.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết
|
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. |
Đến nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.