Theo Motor1, mức thuế quan 25% mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng với ôtô nhập khẩu vào Mỹ sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 4 tới đây.
Báo cáo của công ty nghiên cứu Bernstein Institutional Services cho biết giá bán trung bình của ôtô mới tại Mỹ sẽ tăng đáng kể do ảnh hưởng từ chính sách này.
Giá xe sẽ tăng
Dữ liệu của Kelley Blue Book cho biết giá trung bình của ôtô mới tại Mỹ đang là khoảng 49.740 USD. Bernstein dự báo mức giá này sẽ tăng thêm 7% (tương đương khoảng 3.600 USD) do thuế quan, khiến giá trung bình ôtô mới tại xứ cờ hoa xác lập mức cao kỷ lục.
Theo dự đoán của Bernstein, thuế quan sẽ khiến các nhà sản xuất ôtô phải trả thêm 6.700 USD trên mỗi xe, tương đương khoảng 110 tỷ USD/năm.
“Điều này buộc các hãng phải lựa chọn giữa tăng giá, gánh phần chi phí phụ trội hoặc chấp nhận giảm biên lợi nhuận”, báo cáo của Bernstein cho hay.
 |
Các hãng xe phải cân nhắc tăng giá bán hoặc chấp nhận giảm biên lợi nhuận do ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới. Ảnh minh họa: Mexico Business News. |
Ngay cả khi phần chênh lệch do thuế quan được chuyển sang khách hàng, những nhà sản xuất ôtô nội địa như Ford hay General Motors cũng có thể phải chuẩn bị cho kịch bản doanh thu trước lãi vay và thuế (EBIT) giảm 30% trong năm nay.
Stellantis được cho là có thể “sống khỏe” hơn nhờ lượng phụ tùng sản xuất tại Mỹ mà nhà sản xuất ôtô này sử dụng để lắp ráp các mẫu xe ở nhà máy Mexico.
Tesla được Bernstein gọi tên là nhà sản xuất ôtô có lợi nhất trước tác động từ chính sách thuế quan mới, nhờ vào các Gigafactory đặt ngay trên lãnh thổ Mỹ.
Các nhà sản xuất xe điện quy mô nhỏ hơn như Rivian hay Polestar sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, chủ yếu bởi chuỗi cung ứng phụ thuộc khá nhiều vào các quốc gia bên ngoài.
Cơn đau đầu cho các hãng xe
Theo thông tin do Bernstein cung cấp, các nhà sản xuất ôtô tại Mỹ đang tích trữ hàng tồn kho để giảm ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thuế quan mới của ông Trump.
Hiện có khoảng 2,7 triệu xe đang được lưu kho tại Mỹ, nhưng sức mua mạnh của thị trường ở thời điểm này là nguyên nhân khiến Bernstein tin rằng lượng xe nói trên sẽ chỉ đủ đáp ứng cho đến tuần đầu tiên của tháng 5.
Theo Bernstein, sau thời điểm đó sẽ là lúc chính sách thuế quan mới bắt đầu ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà sản xuất ôtô.
 |
Hãng đang tích trữ hàng tồn kho trước thời điểm chính sách thuế quan mới có hiệu lực tại Mỹ từ đầu tháng sau. Ảnh minh họa: North Dallas News.
|
Loạt xe sản xuất, lắp ráp tại Mỹ có thể tạm thời an toàn nhờ các ngoại lệ theo nội dung Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), nhưng sẽ chỉ kéo dài trong tối đa một tháng.
Công ty nghiên cứu Bernstein Institutional Services dự đoán các nhà sản xuất ôtô tại Mỹ có thể mất 12-36 tháng để tổ chức lại chuỗi cung ứng và cơ sở lắp ráp.
Trước đây, các hãng xe từng cần đến 18-24 tháng để phục hồi sau đợt thiếu hụt chất bán dẫn do tác động của Covid, xảy ra trong giai đoạn 2020-2021 và gây tổn thất hàng tỷ USD doanh thu.
Bernstein nhận định các nhà sản xuất ôtô tại Mỹ đang phải đưa ra quyết định, hoặc tăng giá xe, hoặc duy trì doanh số.
Trong trường hợp giá xe đến tay khách hàng phải “cõng” thêm chi phí do thuế quan, lượng khách mua sẽ giảm. Ở chiều hướng ngược lại, doanh số sẽ không bị ảnh hưởng nếu hãng xe chọn “gánh” khoản chi phí tăng thêm.
 |
Đẩy phần chi phí phụ trội do thuế quan sang khách hàng hay tự gánh để đảm bảo doanh số sẽ là cơn đau đầu cho các hãng xe ở Mỹ. Ảnh minh họa: Ford.
|
Theo dự đoán của Bernstein, việc đẩy chi phí tăng thêm do thuế quan sang khách hàng sẽ khiến các hãng xe ở Mỹ đánh mất khoảng 10% doanh số. Tuy nhiên, những mẫu bán tải cỡ lớn, xe đắt tiền và ôtô hạng sang sẽ dễ bán hơn, bởi giá bán hiện tại vốn dĩ đã ở mức cao.
Trong khi đó, các mẫu SUV nhỏ gọn và sedan cỡ nhỏ hai trong số những phân khúc phổ biến nhất tại Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do biên lợi nhuận mỏng, thị trường cũng đầy tính cạnh tranh.
Các chuyên gia của Bernstein Institutional Services dự báo doanh số của loạt xe như Toyota RAV4, Subaru Crosstrek, Toyota Corolla và Honda Civic tại Mỹ sẽ giảm khoảng 8-11% so với trước.
*Tiêu đề đã được Vietnamdaily thay đổi