Tính riêng quý 3, thu nhập lãi thuần đạt 6.209 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối đem về khoản lãi 315 tỷ đồng, gấp 3,2 lần quý III/2022.
Mảng mua bán chứng khoán đầu tư và mua bán chứng khoán kinh doanh lần lượt báo lãi 882 tỷ đồng và 68 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 1,5 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. Hoạt động khác lãi 147 tỷ đồng, tăng 19%.
Chỉ riêng hoạt động dịch vụ ghi nhận lợi nhuận giảm 12% so với cùng kỳ, tuy nhiên vẫn đem về khoản lãi hơn 763 tỷ đồng.
|
Tính riêng quý 3, thu nhập lãi thuần của ACB đạt 6.209 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. |
Chi phí hoạt động quý 3 ở mức 2.868 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuần trước dự phòng đạt 5.556 tỷ đồng, tăng gần 22%. Sau khi trừ chi phí dự phòng hơn 520 tỷ đồng, ACB báo lãi trước thuế quý 3 đạt 5.035 tỷ đồng, tăng 13%.
Với tăng trưởng tiền gửi khách hàng trong 9 tháng đầu năm đạt 7,6%, ACB tiếp tục vượt hơn trung bình ngành (xấp xỉ 6%) từ đó giúp gia tăng thị phần huy động. Quy mô tiền gửi không kỳ hạn liên tục được cải thiện, tăng trưởng tốt trong quý 3 và đã phục hồi so với mức đầu năm.
Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 15.024 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với việc từ đầu năm đến hết ngày 30/9, mỗi ngày ngân hàng này thu về khoản lãi hơn 55 tỷ đồng.
So với đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng của ACB tăng 8,2% lên mức 445.533 tỷ đồng. Tổng dư nợ nêu trên chưa bao gồm 4.217 tỷ đồng (cuối năm 2022 là 2.047 tỷ đồng) cho vay giao dịch ký quỹ của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS).
Tại ngày 30/9, tổng nợ xấu ghi nhận hơn 5.400 tỷ đồng, tăng 77% so với thời điểm 31/12/2022. Trong đó, nợ nhóm dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) gấp 2,3 lần lên 1.044 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cũng gấp 2,3 lần lên hơn 1.014 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 54% lên hơn 3.341 tỷ đồng, chiếm 61% tổng nợ xấu.
Tổng nợ xấu tăng kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 1,2%, trong khi đầu năm tỷ lệ này ở mức 0,7% - thuộc top ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 159% xuống còn 94%.