-
Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là tác phẩm đặc sắc trong tập Truyện Tây Bắc (1953). Đây là tác phẩm tiêu biểu nhất của Tô Hoài viết về đề tài miền núi.
-
Đọc Vợ chồng A Phủ, ngoài bức tranh hiện thực về đời sống xã hội, người đọc còn bị thu hút bởi những trang miêu tả phong tục tập quán độc đáo của người dân tộc.
-
Tục cho vay nặng lãi: Tục cho vay nặng lãi ở miền núi thời phong kiến được thể hiện tập trung ở nhân vật Mị. Qua ngòi bút của Tô Hoài, hủ tục này hiện ra như một nỗi sợ hãi đã cướp đi hạnh phúc của bao nhiêu người.
-
Bố mẹ Mị lấy nhau không có đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lý, bố của thống lý Pá Tra bây giờ. Mỗi năm phải đem nộp lãi một nương ngô. Khi mẹ Mị chết, bố Mị già, món nợ ấy vẫn chưa dứt và trói Mị vào món nợ truyền kiếp khiến Mị phải sống cuộc đời của người con dâu gạt nợ nhà thống lý Pá Tra.
-
Tục cướp vợ: Tập tục này được Tô Hoài miêu tả rất sắc nét. Mị là cô gái đẹp, thổi kèn hay, nhiều người mê Mị, trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. Tết năm ấy, Mị bị A Sử - con trai thống lý Pá Tra đánh lừa, lợi dụng tục này cướp cô về làm vợ.
-
Ngày nay tập tục cướp vợ vẫn còn, nhưng đã có nhiều thay đổi. Trai gái H’mông yêu nhau, chàng trai thỏa thuận với người yêu tổ chức cuộc “cướp” mang người con gái về nhà mình. Sau đó mới đến trình nhà vợ. Thường mùa xuân ăn tết, con trai hay đi “cướp vợ”.
-
Tục xử kiện, phạt vạ: Với ngòi bút miêu tả phong tục bậc thầy, Tô Hoài đã tái hiện sống động một cuộc xử kiện quái lạ. Ngày tết, A Phủ rủ bạn đi chơi đánh pao. A Sử đến phá đám bị A Phủ đánh. Vì thế, A Phủ bị trói mang đến nhà Pá Tra. Cuộc xử kiện diễn ra trong không gian của màu khói thuốc phiện xanh như khói bếp.
-
Tục cúng trình ma. Mị bị bắt về một cách vô lý, bị cúng trình ma. Trong suy nghĩ của Mị, đã bị cúng trình ma thì chết cũng làm ma nhà thống lý. A Phủ cũng vậy, cũng bị bắt về, cúng trình ma trong một vụ kiện vô cùng lạ lùng… Đối với người dân H’Mông trước đây, ma là thế lực thần quyền đáng sợ. Nó làm cho con người trở nên mê muội, tê liệt ý thức về quyền sống.
-
Tục ăn tết: Tết vùng cao không giống tết ở miền xuôi. Người H'mông ăn tết khi ngô lúa đã gặt xong, mùa xuân có niềm vui thu hoạch mùa màng. Tết miền núi tràn ngập màu sắc và âm thanh. Trai gái kéo nhau lên núi chơi. Các chị Mèo đỏ, váy thêu, áo khoác, khăn hoa chùm rực rỡ. Các chị Mèo trắng chít khăn xếp phẳng lì, tóc mai cạo xanh nhẵn.
-
Đặc biệt, trong Vợ chồng A phủ, ngày Tết không thể thiếu vắng của tiếng sáo. Sáo H’Mông thay họ nói lên tình cảm trong lòng: Anh ném pao, em không bắt. Em không yêu, quả pao rơi rồi. Tiếng sáo còn là cách tỏ tình của người con trai miền núi: "Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách".
-
Nhìn chung đọc Vợ chồng A Phủ, người đọc có thêm những tri thức bổ ích về đời sống, phong tục tập quán của dân tộc H'mông. Điều đáng nói, các phong tục này được Tô Hoài miêu tả với những tìm tòi, khám phá sâu sắc. Điều này đã làm lên thành công của tác phẩm.
-
Mời độc giả xem video:Bất cập tình trạng neo đậu tại cảng Cái Rồng. Nguồn: QTV.