Nhiều người bệnh suy tim chuyển nặng vì tự ý bỏ thuốc

Từ thực tế điều trị, các bác sĩ khuyến cáo, nhiều người bệnh chỉ tuân thủ điều trị trong thời gian đầu. Sau khi ổn, người bệnh chủ quan hoặc tin theo quảng cáo, không uống thuốc đều đặn.

Những nguyên nhân khác khiến suy tim diễn tiến nặng còn do người bệnh không tái khám định kỳ, tự ý sử dụng các loại thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tuân thủ chế độ dinh dưỡng, vận động… 

Nhieu nguoi benh suy tim chuyen nang vi tu y bo thuoc
Bệnh nhân đến khám tại Phòng khám Suy tim, Bệnh viện Thống Nhất TP HCM. 
Những sai lầm đó khiến bệnh diễn tiến nặng, người bệnh phải nhập viện, suy gan, suy thận... tăng nguy cơ tử vong.

TS.BS Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, tại Việt Nam, ước tính khoảng 1,6 triệu người bị suy tim, 4.000 trường hợp nhập viện mỗi năm.

Riêng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, mỗi năm có hơn 6.000 lượt người bệnh khám và điều trị suy tim. Trong đó, hơn 300 lượt người bệnh nhập viện vì đợt mất bù cấp của suy tim, khiến tim không thể thực hiện nhiệm vụ cung cấp máu cho cơ thể.

Theo BS Lý Văn Chiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, suy tim là hậu quả sau cùng của nhiều bệnh lý tim mạch - chuyển hóa: tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh van tim…

Khoảng 10 - 15% bệnh nhân suy tim tử vong sau 1 tháng chẩn đoán, 20 - 30% tử vong sau 1 năm. Tỷ lệ tử vong sau 5 năm chẩn đoán suy tim là 40 - 50%.

Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư vú là 10%, ung thư máu là 30%, ung thư đại trực tràng là 34% sau 5 năm chẩn đoán.

TS.BS Bùi Thế Dũng cho biết thêm, suy tim đặc trưng bởi các triệu chứng điển hình như khó thở, mệt mỏi, phù chân… do tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đảm bảo cho hoạt động của cơ thể.

Người bệnh suy tim có thể bị phù phổi cấp, tổn thương đa cơ quan, đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc đột tử. 

Người bệnh nên duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể lực, dùng thuốc đều đặn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ; cũng như theo dõi dấu hiệu bệnh tại nhà, tái khám đúng hẹn hoặc hỏi ý kiến bác sĩ ngay khi có thắc mắc về tình trạng sức khỏe của mình.

Nhờ đó, các bệnh nhân nguy cơ mắc suy tim và tiền suy tim sẽ được phát hiện sớm, nhằm phòng ngừa nguyên phát; đồng thời, người bệnh suy tim giai đoạn tiến triển được tư vấn và tiếp cận điều trị phù hợp: chăm sóc giảm nhẹ, ghép tim, thiết bị cơ học hỗ trợ tim…

Nhằm nâng cao chất lượng khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân suy tim, sáng 01/8/2022, Khoa Nội Tim mạch đã tổ chức khai trương Phòng khám Suy tim. Theo PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), khoa Nội Tim mạch đã chủ động triển khai phòng khám suy tim, để mang lại nhiều lợi ích hơn cho bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch.

BSCKII Nguyễn Văn Bé Hai, Trưởng khoa Nội Tim mạch, cho biết Phòng khám Suy tim sẽ thực hiện quản lý bệnh nhân suy tim cả nội và ngoại trú đồng thời tư vấn cho bệnh nhân về chế độ dinh dưỡng, tập luyện và dùng thuốc trong điều trị suy tim.

An Quý

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN