Nguy cơ cao bùng phát lại dịch COVID-19

Ngày 18/6, tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo đánh giá, ở trong nước cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới hết sức phức tạp.
Nguy co cao bung phat lai dich COVID-19
Điều trị bệnh nhân COVID-19 Ảnh: PV

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết: “Chính trong giai đoạn này chúng tôi rất lo lắng, quan ngại”. Đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội, nhưng nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao bởi nguồn bệnh từ bên ngoài có thể tấn công vào trong nước bất cứ lúc nào. 

Thực tế cho thấy làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 đã bùng phát ở nhiều nước. Nhấn mạnh quan điểm, thực hiện mục tiêu kép nhưng phải bảo đảm an toàn, Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả các thành viên rà soát lại toàn bộ các công việc, nhiệm vụ được giao; yêu cầu các lực lượng phòng, chống dịch không được chủ quan, nơi lỏng, sẵn sàng ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra. 

Theo Ban Chỉ đạo, để bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước, phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Hiện chúng ta vẫn còn bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang được điều trị; đồng thời tiếp tục đưa công dân Việt Nam về nước, đưa chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước ngoài vào Việt Nam làm việc, nên vấn đề công bố hết dịch cần hết sức cân nhắc. 

Cũng tại cuộc họp, các thành viên bàn thảo, thống nhất để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nối lại đường bay thương mại đối với một số quốc gia, vùng lãnh thổ hiện cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và có quan hệ sâu rộng nhiều mặt với Việt Nam.

Liên quan đến bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, sức khỏe của nam phi công tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu. Hiện phổi bệnh nhân này đã hồi phục được 90%, thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường. "Với những thông số này, tôi cho rằng bệnh nhân không cần phải ghép phổi" - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Tối 18/6, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã phát hiện 7 trường hợp mắc COVID-19 là người trở về từ Kuwait. 

Theo Thái Hà/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN