Người suy yếu miễn dịch, từng mắc Covid-19 dễ nhiễm nấm đen

Nấm đen, Mucomycosis, là bệnh nhiễm trùng được đặc trưng bởi nhồi máu và hoại tử mô; tổn thương thường có màu đen. Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh là người từng mắc Covid-19, đái tháo đường tuýp 2.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, nhiễm nấm đen (Black fungus) là một bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng, hiếm gặp do bào tử nấm có tên gọi là Mucormycetes gây ra. Loài này thường phát triển vào mùa hè và mùa thu.

Nguoi suy yeu mien dich, tung mac Covid-19 de nhiem nam den
TS BS Trần Anh Bích, Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy, thăm hỏi ba bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật điều trị hoại tử xương sọ - hàm mặt. 

Khi tiếp xúc với bề mặt ẩm ướt, có các chất hữu cơ thối rữa: lá cây, gỗ mục nát, phân động vật hoặc đất, những bào tử nấm bắt đầu nảy mầm và tạo ra sợi nấm. Các sợi nấm phân nhánh và ăn đường trong môi trường xung quanh để phát triển.

Nấm xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua 2 con đường: Hít phải bào tử nấm từ không khí, gây nhiễm trùng phổi, não hoặc xoang; xâm nhập qua da bởi vết cắt, vết xước, vết cào, vết bỏng và một số tổn thương da khác.

Hầu hết chúng ta hàng ngày đều tiếp xúc với các bào tử nấm cực nhỏ, vì vậy, rất khó để tránh xa bào tử nấm Mucormycetes. Nói chung những loại nấm này không gây hại cho hầu hết mọi người.

Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu, việc hít thở phải bào tử nấm Mucormycetes có thể gây nhiễm trùng và lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Việc sử dụng bừa bãi, lạm dụng các thuốc steroid có thể liên quan đến bệnh nhiễm trùng nấm đen hoặc các bệnh nhiễm trùng nấm khác.

Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh là: người từng mắc Covid-19; đái tháo đường tuýp 2; bệnh nhân ung thư, cấy ghép tạng, cấy ghép tế bào, sử dụng corticosteroid thời gian dài.

Ngoài ra, người có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV/AIDS; người bị chấn thương da do phẫu thuật, có vết bỏng, vết thương trên da; trẻ sinh non, nhẹ cân và suy dinh dưỡng… cũng dễ mắc bệnh nấm đen.

Bệnh nhiễm nấm đen có thể có thể dẫn đến mũi bị thâm đen hoặc đổi màu, đau ngực, khó thở và ho ra máu.

Nấm đen thường gây ra nhiễm trùng xoang và não. Nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm nấm nhất là bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát, người ghép thận.

Các dấu hiệu của dạng bệnh này: sốt; đau đầu; xoang hoặc nghẹt mũi; sưng mặt một bên; tổn thương màu đen ở phía trên bên trong miệng hoặc trên sống mũi.

Ngoài ra, nấm đen có thể dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng da và niêm mạc, nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Nhiễm trùng đường tiêu hoá thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trẻ sinh non và nhẹ cân dưới 1 tháng tuổi. Các triệu chứng: Buồn nôn và ói mửa; đau bụng hoặc đau dạ dày; xuất huyết dạ dày.

Nhiễm trùng nấm đen mucormycosis lan tỏa thường xảy ra ở những bệnh nhân đã mắc bệnh khác hoặc bệnh mạn tính.

Nhiễm trùng lan tỏa thường ảnh hưởng nhất đến não, hệ thần kinh trung ương và tạo ra tình trạng như hôn mê hoặc các giai đoạn tâm thần khác.

Các dấu hiệu có thể gặp: Mí mắt bị sưng là khi mí mắt dưới hoặc trên (hoặc cả hai) trở nên to ra và chảy mủ ra khỏi mắt; tê liệt các cơ mí mắt.

Theo các chuyên gia của HCDC, hiện không có thuốc hay vaccine chủng ngừa để ngăn chặn bệnh nấm đen.

Để phòng bệnh, chúng ta cần giữ gìn vệ sinh cá nhân bao gồm cả việc tắm rửa sạch sẽ; tránh đến khu vực có nhiều khói bụi, công trường; tránh các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với bụi hoặc đất.

Khi buộc phải đến những khu vực khói bụi hoặc tiếp xúc với đất, chúng ta cần mang găng tay, ủng, đeo khẩu trang.

Vùng da bị thương cần được vệ sinh bằng nước ấm và dung dịch sát khuẩn để tránh nhiễm trùng da.

Bệnh nhân đã cấy ghép tế bào gốc hoặc cấy ghép nội tạng phải dùng thuốc kháng nấm để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng do nấm.

Tại Hội nghị Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 48 diễn ra ở TP HCM mới đây, PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) đã báo cáo về chùm ca bệnh nhiễm nấm đen Mucormycosis gây tổn thương hàm mặt được bệnh viện điều trị trong thời gian gần đây. Trong đó, hai trường hợp nhiễm nấm đen bị hoại tử xương nặng, không qua khỏi và có tiền sử mắc Covid-19.

Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cùng một số bệnh viện khác trên địa bàn TP HCM cũng đã báo cáo gần 20 ca hoại tử nặng xương vùng sọ mặt - viêm xoang trên bệnh nhân từng bị nhiễm Covid - 19. Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh nền là đái tháo đường và có tiền sử nhiễm Covid-19.

Thống kê toàn cầu cho thấy, tỷ lệ nhiễm Mucormycosis dao động từ 0,005 đến 17/1.000.000 dân.

Sau đại dịch, Ấn Độ từng báo cáo hàng loạt ca nhiễm nấm đen ở bệnh nhân từng mắc Covid-19. Các ca nhiễm nấm thường xảy ra từ 12 - 18 ngày sau khi khỏi Covid-19. Tỷ lệ tử vong lên đến hơn 94% nếu xâm lấn vào não.

An Quý

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN