Khoảng thời gian này quả hồng đang vào chính vụ, những quả hồng thơm, ngọt luôn hấp dẫn mọi người. Thế nhưng, ăn hồng quá nhiều lại không tốt.
Ông Trương, 50 tuổi, ở Hàng Châu, Trung Quốc, vốn là người hảo ngọt. Khi hồng vào vụ, ông Trương không nhịn được mồm, ăn liên tục loại quả này. Chỉ trong vòng hơn 2 ngày, ông ăn tới hơn 20 quả hồng.
Sau đó, thấy cơ thể hơi khó chịu, bụng chướng lên, ông Trương lại nghĩ chỉ là khó tiêu nên không quan tâm, khó chịu hơn nữa cũng chỉ uống men tiêu hóa. Thế nhưng, vài ngày trôi qua, tình trạng không được cải thiện mà ông Trương còn nôn mửa, đau bụng dữ dội hơn.
|
Thấy hồng rẻ tranh thủ ăn, người đàn ông suýt chết - Ảnh minh họa. |
Không chịu nổi cơn đau, ông Trương đến bệnh viện Đại học Chiết Giang cấp cứu. Sau khi hoàn thành các xét nghiệm liên quan, bác sĩ nhận định ông Trương bị tắc ruột do ăn quá nhiều quả hồng. Ngay lập tức, bác sĩ thực hiện phương pháp điều trị giải áp đường tiêu hóa cho ông Trương, tình trạng của ông dần được cải thiện.
Bác sĩ cho biết, trong quả hồng có một thành phần hóa học gọi là tanin, sau khi tiếp xúc với axit dịch vị trong dạ dày sẽ tạo thành những chất cặn không tan trong nước, những chất cặn này sẽ hút cặn thức ăn và tạo thành sỏi.
Những viên sỏi nhỏ có thể đào thải ra ngoài theo hình thức đi tiêu nhưng nếu sỏi quá lớn có thể gây tắc ruột, thậm chí thủng dạ dày trong trường hợp nặng.
Cuối cùng, bác sĩ nhắc nhở rằng, người lớn không nên ăn quá 2 quả hồng mỗi ngày, còn người già, trẻ em hoặc những người có dạ dày không tốt không nên ăn quá 1 quả hồng mỗi ngày. Khi ăn quả hồng, cũng nên bỏ vỏ vì vỏ quả hồng có hàm lượng tanin cao nhất.