Mượn, giảm giá máy xét nghiệm COVID-19: Có phải ve sầu thoát xác?

Nếu quá trình thanh tra các địa phương “mượn máy” hoặc mua giảm giá máy xét nghiệm COVID-19 mà không có khuất tất thì cần khen thưởng kịp thời do đã tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước. Nhưng nếu phát hiện có dấu hiệu “ve sầu thoát xác” cần phải xử lý nghiêm minh.
Thời gian qua, sau sự việc lãnh đạo CDC Hà Nội câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động – xét nghiệm COVID-19, việc hàng loạt địa phương “đi mượn” hoặc giảm được giá máy xét nghiệm COVID-19 rẻ hơn nhiều giá ký hợp đồng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nhiều ý kiến nghi ngờ việc “đi mượn” hoặc giảm giá máy xét nghiệm sau khi xảy ra vụ CDC Hà Nội tại một số địa phương là hành động “ve sầu lột xác” để hòng thoái thác trách nhiệm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, cần khen thưởng kịp thời các địa phương này do đã tiết kiệm được số tiền lớn cho ngân sách nhà nước.
Muon, giam gia may xet nghiem COVID-19: Co phai ve sau thoat xac?
 Trong khi nhiều địa phương mua máy xét nghiệm COVID-19 giá cao, một số địa phương lại dễ dàng mượn máy.
Trao đổi với PV Kiến Thức xung quanh vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã nêu lên những quan điểm dưới góc độ pháp lý.
Không thể làm sai rồi khai thế nào cũng được
- Thưa luật sư, ngay sau khi xảy ra vụ việc tại CDC Hà Nội, nhiều địa phương như Hải Phòng, Lào Cai nói rằng máy xét nghiệm COVID-19 đang dùng là đi mượn, một số địa phương khác như Quảng Ninh, giảm giá máy sau khi ký hợp đồng hay mới đây doanh nghiệp cấp máy cho Quảng Nam xin giảm từ 7,23 tỷ xuống hơn 4,8 tỷ đồng…Ông đánh giá sao về động thái của các địa phương này?
Chuyện một số địa phương mượn được hệ thống xét nghiệm COVID-19 trị giá gần chục tỷ đồng mà không phải chi tiền ngân sách ra mua ở một số địa phương, rồi chuyện hợp đồng mua hệ thống xét nghiệm gần chục tỷ đồng đã được ký kết, bàn giao, sau đó lại, đàm phán giảm giá hợp đồng là thêm một câu chuyện rất khôi hài!
Rõ ràng ở đây, việc trả lời như thế nào là quyền của các tổ chức, cá nhân và các địa phương. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ phải xác minh làm rõ thủ tục mua bán, giá cả như thế nào phải có hành vi trục lợi từ việc mua bán máy móc, thiết bị y tế hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Không phải làm sai rồi muốn khai thế nào thì khai như vậy được.
Cần tuyên dương, khen thưởng nếu…
- Một số ý kiến cho rằng, nên khen thưởng kịp thời các địa phương “mượn” và thương lượng giảm được giá máy xét nghiệm COVID-19 do đã tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước, ông nhìn nhận sao về ý kiến này?
Trường hợp cán bộ có năng lực, có trình độ đến mức có thể mượn máy xét nghiệm COVID-19 về sử dụng mà không phải mua với giá cao như nhiều địa phương hoặc cán bộ có năng lực đến mức hợp đồng đã được ký kết thực hiện rồi vẫn còn có thể đàm phán lại được nội dung của hợp đồng để giảm giá cả vài tỷ đồng cho nhà nước thì đương nhiên những trường hợp này phải biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Ngược lại nếu không đúng như vậy, việc mua máy giá cao rồi không thành khẩn thừa nhận hành vi vi phạm, có dấu hiệu sai phạm giống như CDC Hà Nội thì phải xử lý hình sự.
Muon, giam gia may xet nghiem COVID-19: Co phai ve sau thoat xac?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
  - Tuy nhiên, đa số ý kiến đều bày tỏ sự hoài nghi việc “mượn máy” hoặc giảm giá sau khi ký hợp đồng chỉ là “chiêu trò” để thoát trách nhiệm. Ông nghĩ sao về điều này?
Việc cơ quan nhà nước mượn tài sản, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp không phải là chuyện lạ nhưng cũng chỉ là những chuyện hãn hữu.
Đối với các máy móc, thiết bị sử dụng trong lĩnh vực y tế thì đây là những loại hàng hóa đặc biệt, đặc thù, giá trị rất lớn. Nếu là hàng nhập khẩu thì sẽ phải là nguyên chiếc, nguyên đai nguyên kiện.
Thời điểm dịch bệnh như thế này, phần lớn các doanh nghiệp đều hết sức khó khăn, việc nhập khẩu máy móc thiết bị cũng không hề đơn giản, các máy móc thiết bị y tế để phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp thì lại càng quý hiếm, không thể dễ dàng gì doanh nghiệp lại có thể mang máy cho các đơn vị ý tế sử dụng thử hoặc cho mượn được.
Những loại máy móc, thiết bị này ở thời điểm dịch bệnh, số lượng có hạn việc mua nó không dễ dàng và doanh nghiệp không thể có máy chạy thử, cũng không thể có chính sách cho dùng thử cho đến khi cơ quan điều tra hỏi đến như thế này ...
Nếu những ai đã từng tham gia hoạt động kinh doanh hoặc tư vấn kinh doanh đều biết rằng việc mua bán một loại hàng hoá trị giá tiền tỷ như máy móc, thiết bị y tế phải qua các bước: Chào hàng - đàm phán hợp đồng - thống nhất và ký kết hợp đồng - cuối cùng là thực hiện hợp đồng (giao hàng và trả tiền). Có thể còn có thuận về bảo hành, bảo dưỡng.
Khi chào hàng, bên bán sẽ thông báo về giá cả đối với từng loại hàng hóa, giới thiệu rõ về số lượng, chất lượng, mẫu mã, công dụng, giá trị sử dụng của sản phẩm hàng hoá. Giá cả sẽ niêm yết công khai và sẽ là giá thị trường giá cạnh tranh.
Còn bên mua có thể thỏa thuận, đàm phán để giảm giá bán, nếu hai bên thống nhất được nội dung cơ bản của hợp đồng như: Số lượng, chất lượng, chủng loại, nguồn gốc suất xứ, giá cả, phương thức thanh toán, thời điểm giao nhận máy móc thiết bị, lắp đặt, bảo hành... sẽ đi đến việc ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng.
Khi hợp đồng đã được ký kết và đi vào thực hiện, không thể có chuyện giảm giá. Nếu bên mua mà không mua nữa sẽ mất tiền đặt cọc hoặc bị phạt hợp đồng.
Hợp đồng đã ký kết thì không có lý do gì để giảm giá. Với những hàng hóa thuộc loại “của hiếm” như máy xét nghiệm COVID-19 ở thời điểm dịch bệnh bùng phát tại nhiều quốc gia, giá cả chỉ có tăng chứ không thể giảm. Nhiều trường hợp doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt cọc để hủy hợp đồng vì giá cả đã tăng cao hoặc không thể cung cấp được hàng hoá.
Trường hợp giảm giá sau khi ký kết hợp đồng chỉ có thể xảy ra khi hàng hóa không đúng chất lượng, không đúng chủng loại, không đúng mẫu mã hoặc có những sự kiện hết sức bất thường dẫn đến việc hợp đồng không thể thực hiện được như thỏa thuận ban đầu...
Thông tin từ một số địa phương cho thấy khi CDC Hà Nội có cán bộ bị khởi tố vì hành vi nâng giá hệ thống xét nghiệm thì Sở y tế các địa phương hoặc các trung tâm khác mới thông báo là đã giảm giá hoặc sử dụng hệ thống xét nghiệm là do mượn chứ không phải đi mua.
Đây là những thông tin hết sức bất thường, ngược với quy luật kinh doanh. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ có việc sai phạm giống như trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội hay không? Nếu có mà còn quanh co, không thừa nhận sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Còn trường hợp họ có thể mượn được, có thể đàm phán giảm giá thiết bị sau khi đã ký kết thực hiện hợp đồng một cách ngoạn mục như vậy cần phải khen thưởng, biểu dương kịp thời nhưng có lẽ dư luận sẽ không ai tin điều này là thật.
Xin cảm ơn luật sư Đặng Văn Cường về cuộc trao đổi trên!
>>> Mời độc giả xem thêm video Máy xét nghiệm Covid-19: Mua giá cao nhưng có đảm bảo?

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức (thực hiện)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN