Medi Skin Care & Spa lừa khách hàng quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh?

Công ty TNHH Song Hiền Medi bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM phạt 70 triệu đồng do có vi phạm tại cơ sở làm đẹp Medi Skin Care & Spa (số 154 đường 51, khu phố 2, phường An Phú, TP Thủ Đức).
Medi Skin Care & Spa lua khach hang quang cao dich vu kham, chua benh?
Cơ sở Medi Skin Care & Spa tại số 154 đường 51, khu phố 2, phường An Phú, TP Thủ Đức (TP HCM). 

Cơ sở chăm sóc da ngang nhiên quảng cáo “lố”

Theo Thanh tra Sở Y tế TP HCM, Medi Skin Care & Spa chỉ là cơ sở chăm sóc da, chưa có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh nhưng ngang nhiên quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh. Với sai phạm trên, Công ty TNHH Song Hiền Medi bị xử phạt 70 triệu đồng, buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo vi phạm pháp luật.

Công ty TNHH Song Hiền Medi thành lập ngày 14/10/2019, người đại diện pháp luật là Vũ Thị Hiền và Oleksandr Hulyayev; mã số thuế 0315957561 do Chi cục Thuế TP Thủ Đức (TP HCM) quản lý.

Ngoài ra, Công ty TNHH Song Hiền Medi còn có chi nhánh tại 39 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành lập ngày 5/5/2021, cũng do bà Vũ Thị Hiền đứng đầu. 

Medi Skin Care & Spa lua khach hang quang cao dich vu kham, chua benh?-Hinh-2
 Các từ ngữ như: “Bác sĩ thăm khám”, “chỉ định của bác sĩ chuyên khoa”, “chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám”… tại mục “Chăm sóc cơ thể” trên website https://mediskincare.vn - Ảnh chụp màn hình.

Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của công ty là dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khoẻ tương tự (trừ hoạt động thể thao). Cụ thể, giấy phép kinh doanh nêu: Dịch vụ chăm sóc da chuyên sâu cho từng loại da khác nhau bằng mỹ phẩm; dịch vụ thẩm mỹ bằng công nghệ (không phẫu thuật, không gây chảy máu) và dịch vụ tắm trắng toàn thân bằng mỹ phẩm. Doanh nghiệp chỉ được kinh doanh kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.

Ngoài các ngành nghề đăng ký kinh doanh chính, Công ty TNHH Song Hiền Medi còn đăng ký kinh doanh các ngành nghề: Cắt tóc, làm đầu, gội đầu; bán buôn đồ dùng khác cho gia đình...

Tin quảng cáo “lố”, hậu quả khôn lường

Sau khi Thanh tra Sở Y tế TP HCM ra quyết định xử phạt hành chính, PV khảo sát trên website https://mediskincare.vn từ ngày ngày 31/10 đến 1/11, ghi nhận nhiều quảng cáo về Medi Skin Care & Spa.

Cụ thể, mục “Chăm sóc cơ thể” trên website này vẫn còn bài viết quảng cáo về các dịch vụ: Giảm cân toàn diện; tan mỡ body shape 2020; giảm béo công nghệ RF…với các từ ngữ như: “Bác sĩ thăm khám”, “chỉ định của bác sĩ chuyên khoa”, “chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám”…, khiến khách hàng dễ lầm tưởng cơ sở đã được cấp phép khám, chữa bệnh.

Mục "Tin tức" vẫn còn bài viết quảng cáo về dịch vụ "Căng da mặt bằng chỉ collagen". Nội dung quảng cáo có đoạn: "Căng da bằng chỉ là tiểu phẫu nhẹ nhàng, chỉ tạo một đường nhỏ ở khu vực thái dương, được che phủ bởi đường chân tóc nên sẽ không gây mất thẩm mỹ. Do đó, phương pháp này đạt tính thẩm mỹ cao, không lộ sẹo xấu ra ngoài như phẫu thuật. Sau vài tháng, đường sẹo sẽ mờ dần và tệp với da, gần như không để lộ bất kỳ dấu vết ‘dao kéo’ nào". 

Medi Skin Care & Spa lua khach hang quang cao dich vu kham, chua benh?-Hinh-3
 Mục "Tin tức" trên website https://mediskincare.vn vẫn còn bài viết quảng cáo về dịch vụ "Căng da mặt bằng chỉ collagen" - Ảnh chụp màn hình.

Ngoài ra, Fanpage "Medi Skincare & Spa" quảng cáo về Medi Skincare & Spa tại 2 địa chỉ 154 đường 51, khu phố 2, phường An Phú, TP Thủ Đức và 39 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, với nội dung, hình ảnh về các dịch vụ tiêm Exocode điều trị nám; căng da mặt bằng chỉ, tiêm vi điểm trên da bằng phương pháp Mesotherapy…

Trong khi đó, theo quy định, các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hay phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ, thì không được sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) xăm phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, căng chỉ là phương pháp làm đẹp được nhiều chị em ưa chuộng. Chỉ thẩm mỹ có nhiều tác dụng như nâng mũi, làm đầy vùng dưới ổ mắt, căng da làm cho da trẻ hóa, căng bóng hơn…

Đây không phải làm đẹp không dao kéo mà thực chất là quá trình xâm lấn, nên trước đó cần có sự đánh giá của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và da liễu thẩm mỹ xem có phù hợp chỉ định không. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay, ngoài những cơ sở spa, làm đẹp được cấp phép, còn có các tiệm cắt tóc, gội đầu... cũng thực hiện. Thậm chí, nhiều người không có trình độ chuyên môn cũng thực hiện kỹ thuật này, vô cùng nguy hiểm.

Những biến chứng có thể gặp là thòi đầu chỉ, luồn chỉ quá nông… tạo ra những đường dẫn lưu trên mũi khiến vi khuẩn xâm nhập và tổ chức mũi gây viêm sưng, hoại tử tổ chức mũi.

“Đặc biệt, hiện nay, trên mạng tràn lan lời giới thiệu, quảng cáo về căng chỉ, với chi phí rất thấp như nâng chỉ mũi với 3-4 triệu đồng, làm chúng tôi khá lo lắng và băn khoăn vì với chi phí thấp như vậy, khách hàng có nguy cơ rơi vào bẫy giá rẻ”, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Minh, trên thực tế, chỉ để làm đẹp thẩm mỹ với chất liệu chỉ FDA của Mỹ có giá rất đắt. Có hai loại chỉ chậm tiêu và chỉ tiêu (PDO, PLLA, PLC, catgut). Khi đưa chỉ này vào tổ chức da sẽ có tác động nâng đỡ da, làm da căng hơn và theo thời gian chỉ này sẽ tự tiêu trong tổ chức da.

Chỉ sẽ giúp kích thích quá trình tăng sinh collagen và elastin. Tùy theo chất liệu chỉ mà thời gian tiêu chỉ có thể từ 6 tháng đến vài năm. Phương pháp này cũng không giúp đạt hiệu quả vĩnh viễn.

Chính vì thế, bác sĩ Minh nhấn mạnh khách hàng có nhu cầu cần tìm hiểu kỹ, được các bác sĩ tư vấn cặn kẽ và nên thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện, đảm bảo vô trùng.

Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Lập - Đoàn Luật sư TP HCM - cho hay, thời gian qua, cơ quan chức năng xử lý rất nhiều cơ sở tổ chức khám, chữa bệnh “chui”.

Ông Lập dẫn quy định tại điểm a khoản 6 và điểm b khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, trường hợp cá nhân có hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh, có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng, đối với tổ chức thì mức phạt gấp đôi mức phạt của cá nhân; có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.

Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép, nếu gây tổn hại sức khỏe hoặc làm chết người hay đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà tiếp tục tái phạm thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

“Tình trạng quảng cáo, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa đủ điều kiện diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Do đó, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm”, luật sư Lập nhấn mạnh.

Theo Sở Y tế TP HCM, hiện nay, địa bàn TP HCM có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (thuộc nhóm 3, do Bộ Y tế cấp phép hoạt động - bệnh viện thẩm mỹ - hoặc Sở Y tế cấp phép hoạt động - phòng khám thẩm mỹ), 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da (thuộc nhóm 2, cơ sở đã gửi văn bản thông báo đủ điều kiện đến Sở Y tế và được công bố trên Cổng thông tin), và nhiều cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng (thuộc nhóm 1, do UBND quận, huyện hoặc Sở KHĐT cấp phép hoạt động).

Một khó khăn không nhỏ cho cả người dân và cơ quan quản lý Nhà nước khi chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về biển hiệu của các cơ sở cung ứng “dịch vụ làm đẹp”, hiện tượng phổ biến đó là hầu hết biển hiệu của các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp đều chọn tên “Thẩm mỹ viện…” hay “Viện thẩm mỹ…”.

Thực tế, qua thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm cơ sở chăm sóc da (spa), cắt tóc, gội đầu, làm móng (nhóm 1) và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da (nhóm 2) đã phát hiện và xử lý nghiêm một số đơn vị sử dụng thuốc tê dạng tiêm, cung cấp dịch vụ làm đẹp trái phép.

Sở Y tế TP HCM yêu cầu các Phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức trực thuộc UBND quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục tăng cường tham mưu cho UBND quận, huyện triển khai quyết liệt các giải pháp giúp quản lý chặt hơn nữa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn người hành nghề và các cơ sở hành nghề làm đẹp trái phép trên địa bàn; đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm quảng cáo quá phạm vi cho phép (quảng cáo trên biển hiệu, quảng cáo trên báo, đài, trên mạng xã hội,…).

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP HCM kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan quy định chặt hơn nữa về biển hiệu của cơ sở làm đẹp, tăng nặng các mức xử phạt đủ sức răn đe đối với hành vi cố tình vi phạm pháp luật…

Hữu Thông

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN