Inox (hay thép không gỉ) là hỗn hợp các kim loại như Niken, Crom, Đồng, Sắt, Carbon, Mangan, Silic…. Độ bền của inox phụ thuộc vào việc pha trộn các hợp kim này nhiều hay ít. Có nhiều loại inox khác nhau được đưa vào sản xuất để phục vụ cho sinh hoạt và. Mỗi lĩnh vực khác nhau, người ta sẽ chọn loại inox phù hợp. Trong đó, những đồ dùng trong nhà bếp thường được làm chủ yếu từ inox 201, inox 410, inox 304 và inox 430.
Hàng Trung Quốc đủ loại giá
Hiện nay, trong gian bếp của nhiều bà nội trợ, xoong nồi inox là vật dụng không thể thiếu. Ai cũng nghĩ inox an toàn với sức khỏe nên trong những năm gần đây, sản phẩm này xuất hiện ở hầu khắp các gia đình. Từ đó, các cơ sở kinh doanh xoong nồi từ chất liệu này cũng mọc lên như nấm với đủ mọi giá cả.
Chị Hồng Thắm (quận Bình Tân, TP HCM) chia sẻ, mới đây chị có tìm hiểu trên một trang bán hàng online thấy quảng cáo một bộ nồi inox 5 món mà giá chỉ có 500.000 đồng, lại được khuyến mãi thêm rổ nhựa, hộp nhựa… Theo người bán, đây là nồi thanh lý của công ty nên mới có giá hời như thế. Tuy nhiên, khi hỏi kỹ về chất liệu cũng như xuất xứ của sản phẩm, người bán mới thú thực là cũng không hay biết.
|
Người tiêu dùng cần chú ý chọn nồi inox an toàn cho sức khỏe. |
Trong vai một khách hàng cần đặt số lượng lớn xoong nồi inox để chuẩn bị khai trương nhà hàng, phóng viên Khoa học và Đời sống (PV) liên hệ với số điện thoại 090299x66x. Ngay lập tức có một người phụ nữ nghe máy và tận tình chỉ hướng dẫn khách hàng xung quanh về giá cả, cũng như sản phẩm.
Sau một hồi tư vấn, PV hỏi về mã sản phẩm inox làm ra sản phẩm, thì người phụ nữ này ậm ừ nói: “Cái này thông tin kỹ thuật bên em lại chưa cập nhật”.
Sau khi khảo sát trên mạng, PV cũng trực tiếp tới một số cửa hàng bán những sản phẩm xoong nồi inox trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp)…. Điều bất ngờ là hầu hết nhân viên các cửa hàng này đều không biết rõ loại nồi inox mà mình đang bán được làm từ loại inox nào.
Theo quan sát của PV, những cửa hàng chuyên bán xoong nồi inox… hầu hết đều nhập sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, giá thành rẻ. Những sản phẩm nhập từ các nước Châu Âu, Mỹ thì có giá thành cao, ít người mua.
Tốt hay không tốt?
Theo ông Nguyễn Xuân Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Dịch Vụ Cơ Khí Inox Trường Vũ, inox thường được nhập về dạng thỏi hoặc tấm. Chỉ có thêm một công đoạn nữa là đánh bóng sản phẩm. Hiện nay, nhiều cơ sở chế biến inox đã thu mua, pha chế thêm một số loại hóa chất khác làm cho inox mất đi sự nguyên chất. Điều này làm cho nồi inox kém chất lượng tiết ra các thành phần rỉ sét, độc hại khi nấu ăn trong thời gian dài.
Sản phẩm tốt hay kém chất lượng phụ thuộc vào công thức pha chế sản xuất của từng doanh nghiệp để cho ra sản phẩm phù hợp với mục đích, công dụng của nồi. Với inox có mác 420 là để sản xuất dao, muỗng, dĩa, thìa vì cần có độ cứng và mài mòn cao, mác 316 là inox chịu được trong môi trường axit, mác 304 thích hợp cho nấu ăn, còn mác 430 rẻ nhưng mau gỉ.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhằm thu lợi nhuận cao nên đã sản xuất loại inox không nguyên chất và gắn sai mác cho sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng”, ông Vũ chia sẻ.
|
Nồi inox kém chất lượng. |
Theo các chuyên gia, để lựa chọn được những chiếc nồi inox đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng cần lưu ý một số điểm sau:
Mua nồi của những hãng sản xuất có thương hiệu uy tín: nồi của những hãng này được làm từ inox 304, có đầy đủ tem, bao bì ghi chi tiết sản phẩm, bảo hành.
Dùng tay thử: Khách hàng dùng tay sờ nhiều lần vào nồi. Nếu nồi được đúc liền một khối, không có gờ hay mối giáp nào thì đó là nồi tốt. Nếu nồi có bề mặt không bằng phẳng, lồi lõm hoặc có mối hàn thì đó là nồi không tốt.
Hiện nay, xuất hiện loại nồi inox có nhiều đáy, tốt hơn loại 1 đáy. Khách hàng phân biệt nồi 1 đáy và nhiều đáy bằng cách búng tay vào nồi, nồi nhiều đáy không có âm thanh còn nồi 1 đáy có tiếng vang. Có 1 số nồi giả nhiều đáy, búng vào không có tiếng vang nhưng có thể nhận ra được do cầm lên thấy nhẹ tay.
Inox tốt cầm rất nặng tay. Nồi inox kém chất lượng bị pha nhiều tạp chất, hoặc được mạ kim loại nặng, khi nấu sẽ ngấm vào thức ăn, lâu ngày làm tích tụ kim loại nặng trong cơ thể của người dùng, gây ra các chứng bệnh nguy hiểm như ung thư, gan,…