Ẩn họa từ đèn tích điện
Đèn tích điện là thiết bị hữu ích được dùng để chiếu sáng khi sự cố mất điện xảy ra. Ngoài ra, sản phẩm còn được ứng dụng rộng rãi đối với các trường hợp làm việc ở điều kiện thiếu ánh sáng, du lịch, thám hiểm,... Trên thị trường hiện nay có rất nhiều mẫu đèn tích điện để người tiêu dùng có thể lựa chọn.
Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trên thị trường đang còn nhiều sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng, đặc biệt còn gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
|
Sử dụng đèn tích điện kém chất lượng rất dễ gây cháy nổ. Ảnh minh họa |
Đặc biệt, loại đèn tích điện này thường sử dụng pin niken vỏ kẽm, các trường hợp như nếu người sử dụng pin gắn lộn cực pin vào thiết bị, thiết bị sạc pin cho ra dòng điện quá lớn hoặc nguồn điện không ổn định khi sạc pin; điểm tiếp xúc giữa pin và thiết bị hoặc giữa thiết bị sạc với nguồn điện không tốt; sử dụng thiết bị quá lâu dẫn tới nhiệt độ của pin tăng cao… đều có thể gây nổ. Thực tế, đã có không ít trường hợp phải nhập viện do đèn tích điện phát nổ.
Cách đây không lâu, cháu N.P.A, 8 tuổi ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đang ngồi chơi thì bị thương do đèn tích điện phát nổ. Theo các bác sĩ điều trị Bệnh viện Mắt Thái Bình, N.P.A bị bỏng da mặt mức độ 1 - 2 và bỏng giác mạc.
Chị N.T.T, mẹ cháu N.P.A cho biết, chiếc đèn bị nổ là đèn mỏ mà mọi người vẫn hay dùng để đi soi ếch hoặc cấy đêm. Trước khi phát nổ, đèn đã bị rơi xuống đất trước đó. “Sau khi sự việc xảy ra, tôi có hỏi lại thì bảo đèn đã sạc qua đêm hôm trước. Cháu đang ngồi vẽ gần đó thì chiếc đèn tự nhiên phát nổ”, chị N.T.T chia sẻ.
Tương tự, trước đó Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cũng tiếp nhận bệnh nhi L.V.N. từ Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân chuyển đến trong tình trạng tổn thương nặng bàn tay phải, các ngón tay giập nát hoàn toàn không còn khả năng bảo tồn.
Người nhà bệnh nhi N. kể lại, cháu N. cắm sạc chiếc đèn pin (loại đèn pin đã cũ, có bộ tích điện qua nguồn sạc từ điện 220V). Khi đèn đang được sạc điện, cháu N. nghe có tiếng nổ nhỏ, tay phải N. cầm đèn pin, tay trái định rút phích cắm điện thì chiếc đèn phát nổ lớn. Vụ nổ làm bàn tay và các ngón tay phải của N. bị giập nát, chảy nhiều máu.
Lưu ý cách sử dụng đèn tích điện
Theo kỹ sư Nguyễn Bá Lộc, Công ty CP Thiết bị điện Mười Lộc, đèn tích điện khá tiện lợi nhưng người tiêu dùng cần phải thận trọng khi mua và sử dụng.
Cụ thể, khi tiến hành chọn mua một chiếc đèn tích điện, yếu tố đầu tiên mà người dùng cần quan tâm đó chính là thời gian chiếu sáng dự phòng của đèn. Tùy từng loại đèn sạc khác nhau cho thời gian chiếu sáng dài hay ngắn. Với các loại đèn thông thường thời gian sáng liên tục từ 4 - 8 tiếng, đèn sạc LED công nghệ cao cho thời gian thắp sáng liên tục 20 - 30 tiếng. Thông thường, đèn tích điện cho khả năng thắp sáng càng lâu thì giá thành sẽ càng cao.
|
Người tiêu dùng cần phải thận trọng khi mua và sử dụng đèn tích điện an toàn. |
Hiện nay, đèn tích điện được bày bán ở nhiều nơi khác nhau với nhiều mẫu mã kém chất lượng, chủng loại không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến việc sử dụng và an toàn đối với người dùng. Người dùng nên mua đèn sạc tại những cửa hàng, đại lý phân phối chính hãng, tránh mua hàng tràn lan qua mạng đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt hơn.
Ngoài các tiêu chí kể trên, các yếu tố công suất, tuổi thọ bóng đèn, chất liệu sản phẩm cũng được xem là tiêu chí cần thiết khi xem xét lựa chọn mua đèn tích điện.
Sau khi mua đèn, người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất để biết đèn mà mình đang sử dụng có thiết kế để cắm sạc như thế nào. Vì hiện nay, một số loại đèn có khả năng cắm sạc liên tục nhờ cơ chế tự động ngắt nguồn sạc khi ắc quy đầy. Do đó, người dùng có thể cắm sạc thoải mái mà không sợ đến vấn đề chai pin. Tuy nhiên, có những loại đèn tích điện không có chức năng ngắt điện này, người dùng cần phải đọc xem đèn sạc bao lâu thì đầy hoặc dấu hiệu báo pin đầy của sản phẩm để có thời gian sạc cho phù hợp, tránh sạc quá lâu gây pin bị phù (phồng), dẫn đến chai pin hoặc phát nổ.
Trong quá trình sạc đèn tích điện, người dùng cần để ý nếu sờ tay vào pin thấy ấm thì pin hoạt động bình thường, nhưng trong trường hợp thấy đèn nóng bất thường thì hãy ngừng sạc khẩn cấp vì pin đã hỏng và cần thay pin khác.
Để đèn tích điện hoạt động bền lâu, người dùng cần lưu ý khi không dùng tới đèn trong một khoảng thời gian dài, trước lúc mang cất đi thì cần sạc cho đèn thật đầy, sau thời gian khoảng 2 - 3 tháng, lấy ra sử dụng cho hết pin rồi sau đó lại sạc đầy và mang đi cất. Chu trình này thông thường nên sạc đèn với tần suất 2 tháng 1 lần, để đảm bảo nguồn điện trong đèn cũng như tuổi thọ cho nguồn.