Ngày 21/1, Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng (Sóc Trăng Waco) đưa vào hoạt động 2 giếng ngầm vừa khoan xong để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Dự kiến hai ngày nữa, Sóc Trăng Waco khoan xong thêm 2 giếng ngầm, công suất mỗi giếng khoảng 1.200 m2 một ngày đêm.
"Mặn xâm nhập nên tuần trước nhà máy xử lý nước mặt trên khu công nghiệp An Nghiệp có công suất 10.000 m3 một ngày đêm phải tạm ngưng hoạt động. Công ty đang khoan gấp 4 giếng ngầm có tổng công suất khoảng 6.000 m3 một ngày đêm để giải quyết tình trạng thiếu nước trong dịp Tết", ông Đặng Văn Ngọ, Tổng giám đốc Sóc Trăng Waco nói.
|
Giếng ngầm được Sóc Trăng Waco khoan khoan thêm để ứng phó hạn mặn. |
Theo ông Ngọ, Sóc Trăng có 7 nhà máy xử lý nước ngầm với tổng công suất 30.000 m3 một ngày đêm. Do ảnh hưởng hạn, mặn nên lưu lượng nước tại các giếng ngầm giảm đến 30%.
Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết tình trạng xâm nhập mặn gay gắt nhiều hơn mùa khô bốn năm trước.
"Theo quy luật khi gió chướng nước mặn vào, lúc nước kém mặn rút ra và nước ngọt từ thượng nguồn đổ về. Tuy nhiên, năm nay không thấy nước ngọt về như quy luật nên các cống ngoài sông Hậu đều đóng hết khiến các con sông bên trong đều thiếu nước", ông Đạo nói.
Hiện, cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng thay nhau canh nước ngọt suốt ngày đêm tại cống Bà Xẩm (huyện Long Phú) để lấy nước phục vụ tưới tiêu. Tuy nhiên, khi mặn giảm xuống 2,6‰ vào tối một ngày trước đã không giảm tiếp mà tăng lên 3,1‰ nên cống Bà Xẩm tiếp tục đóng kín.
"Theo quy định nước mặn dưới 1‰ mới mở cống lấy nước nhưng hôm qua chúng tôi tính chỉ cần mặn xuống dưới 2‰ là lấy nhưng cuối cùng cũng không thể mở cống", ông Đạo chia sẻ.
Tại Bến Tre, xâm nhập mặn gay gắt hơn mùa khô 4 năm trước nhưng Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre (Bewaco) chưa đưa xe sang Tiền Giang chở nước ngọt vì nhà máy ở xã An Hiệp (huyện Châu Thành, Bến Tre) vẫn còn nước ngọt để xử lý.
|
Mỗi giếng ngầm sâu khoảng 150 m. |
Ông Trần Hùng, Tổng giám đốc Bewaco cho biết Nhà máy xử lý nước An Hiệp đã cung cấp cho bệnh viện tỉnh này trên 10 chuyến nước ngọt, mỗi chuyến 5 m3. Còn các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Giao Long được Bewaco cung cấp nước ngọt bằng xe tải chở mỗi lần 3 bồn nhựa, mỗi bồn 5 m3.
"Nước của nhà máy mặn 180 miligam mỗi lít, thấp hơn ngưỡng cao nhất là 250 miligam. Tại xã Lương Qưới của huyện Giồng Trôm, người dân phải sử dụng nước mặn đến 2‰", ông Trần Hùng nói.