Ngày 15/2, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết kế hoạch dự kiến (tháng 4/2023) sẽ trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư QĐCTCTĐ / Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) và ký nhiều biên bản ghi nhớ với các Tập đoàn Becamex IDC, Sun Group, FPT, Trung Nam, Vingroup... để triển khai các dự án lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
|
Quảng trường 2.4, đường Trần phú, Tp. Nha Trang - Nơi thường diễn ra các sự kiện văn hoá lớn của tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Phạm Giang) |
Theo đó, dự kiến cấp, điều chỉnh QĐCTCTĐT / GCNĐKĐT dự án Khu đô thị ven Vịnh Cam Ranh (tổng vốn đầu tư hơn 85.293 tỷ đồng, quy mô 1.250ha) và dự án Khu đô thị hành chính Diên Khánh (tổng vốn đầu tư hơn 2.012 tỷ đồng, quy mô 89 ha); trao quyết định chấp thuận chủ trương, GCNĐKĐT dự án Khu nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa - TP. Cam Ranh (công ty cổ phần muối Cam Ranh, tổng vốn đầu tư hơn 3.756 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị sinh thái VCN (Công ty cổ phần Đầu tư VCN, tổng vốn đầu tư hơn 8.987 tỷ đồng).
Tỉnh Khánh Hoà cũng cấp GCNĐT điều chỉnh dự án Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thắm của Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong (tổng vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng, thuộc Khu kinh tế Vân Phong); Dự án Nhà máy sản xuất tháp gió và monopile tại KCN Ninh Thủy của Tập đoàn CS Wind - Hàn Quốc (dự kiến cấp GCNĐT hoặc nếu các thủ tục chưa xong sẽ thực hiện ký biên bản ghi nhớ, tổng vốn đầu tư 130 triệu USD).
Riêng Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Dốc Đá Trắng của Công ty cổ phần Viglacera (tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng), nếu được chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ thì UBND tỉnh Khánh Hoà sẽ trao quyết định chấp thuận chủ trương, hoặc nếu các thủ tục chưa xong sẽ thực hiện ký biên bản ghi nhớ...
Khánh Hòa tập trung phát triển theo hướng phát triển toàn diện kinh tế biển như dịch vụ, du lịch biển chất lượng cao; công nghiệp, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới… Địa phương sẽ phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng, có hàm lượng trí thức và công nghệ cao. Trong đó, phát triển du lịch, dịch vụ logistics, kinh tế số theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa…
Khánh Hòa sẽ hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế, tuyến phố thương mại, tài chính, du lịch… Song song đó là đầu tư xây dựng hệ thống kho vận, hệ thống logistics; đầu tư cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; phát triển cảng hành khách, cảng hàng hóa quy mô lớn tại Vân Phong…
Ngoài ra, Khánh Hòa cũng tập trung phát triển du lịch, trở thành kinh tế mũi nhọn gồm: du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch di sản văn hóa gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa.
Trong đó, phát triển Nha Trang thành đô thị du lịch; khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh là khu du lịch Quốc gia; khu vực Bắc Vân Phong là đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, liên kết khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên …
|
Lần đầu tiên trong một tỉnh, cùng lúc lập 4 quy hoạch rất lớn, rất quan trọng. Đến nay, Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản hoàn thành để trình Thủ tướng phê duyệt, 3 quy hoạch còn lại vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức lớn. |
2,7 tỷ đồng sẽ chi cho hoạt động xúc tiến đầu tư 2023
Trước đó ngày 13/2, Chủ tịch UNBD tỉnh Khánh Hòa đã ký Quyết định phê duyệt chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023, nhằm đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư. Trong đó, ưu tiên các dự án nước ngoài có liên kết với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…
Cụ thể, Khánh Hòa sẽ ưu tiên thu hút đầu tư các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng 4.0 (công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch ...), đẩy mạnh thu hút các dự án hạ tầng khu công nghiệp và cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ…
Về đối tác, Khánh Hòa sẽ tập trung thu hút đầu tư từ các quốc gia phát triển mạnh về công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc… ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Tỉnh Khánh Hòa phê duyệt chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 với 8 hoạt động trọng tâm: Nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư. Kinh phí thực hiện các hoạt động của chương trình được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư để công bố các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giới thiệu và xúc tiến đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Song song đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, hướng dẫn trình tự thủ tục các bước thực hiện dự án đầu tư không sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh; rà soát, cập nhật danh mục dự án kêu gọi đầu tư phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành và địa phương…
Khẩn trương phối hợp chặc chẽ với các Bộ, ngành trung ương, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình Thủ tướng phê duyệt, kịp thời công bố các quy hoạch tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 (dự kiến trong tháng 4) nhân dịp sự kiện tổ chức kỷ niệm 370 năm hình thành và phát triển tỉnh Khánh Hòa; gồm: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040; Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm.
Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, ngoài các hoạt động cụ thể trên, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và chỉ số cải cách hành chính (PAR), tỉnh đang tập trung hoàn thiện trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư.