Khám trước tiêm vaccine phòng COVID-19: Những hướng dẫn mới nhất

Ngày 21/12, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5785/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên.
So với hướng dẫn được ban hành vào tháng 9/2021, theo hướng dẫn mới này, Bộ Y tế chỉ quy định 2 đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng bao gồm: Người đang mắc bệnh cấp tính và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần. Trước đây, có thêm trường hợp “có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng”.
Kham truoc tiem vaccine phong COVID-19: Nhung huong dan moi nhat
Ảnh minh họa.  
Tại hướng dẫn mới này, Bộ Y tế vẫn phân loại người tiêm thành 4 nhóm:
Nhóm 1: Người đủ điều kiện tiêm chủng, là người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vắc xin.
Nhóm 2: Người cần thận trọng tiêm chủng gồm: Các nhóm người phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu; phụ nữ mang thai trên 13 tuần; người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống.
Nhóm 3: Người trì hoãn tiêm chủng gồm: Đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Nhóm 4: Chống chỉ định gồm: Tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 cùng loại (lần trước); có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
Sau khi khám sàng lọc, trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được chỉ định tiêm ngay, chỉ trì hoãn tiêm với trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn. Trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3, với bất kỳ nguyên nhân gì, sẽ tiêm ở cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ.
Phụ nữ mang thai trên 13 tuần tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa. Không tiêm cho những người có chống chỉ định tiêm chủng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trước tiêm, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, cần đối chiếu với hướng dẫn sử dụng vắc xin để chỉ định loại được phép sử dụng.
Trước đó, vào ngày 18/12, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và liều nhắc lại, trong đó quy định rõ về đối tượng được tiêm, loại vắc xin sẽ tiêm và khoảng cách giữa các mũi tiêm.
Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 20/12, Việt Nam đã tiêm được hơn 140 triệu liều vắc xin, trong đó, với nhóm dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm hơn 130 triệu liều (hơn 69,1 triệu mũi 1; gần 60 triệu mũi 2); 40.524 liều bổ sung và 241.237 liều nhắc lại.
PV

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN