Theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, đề án thành lập ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương được ấp ủ khi chứng kiến nhiều trẻ sơ sinh trong đại dịch Covid-19 phải cách ly mẹ, không được bú sữa mẹ.
Trong vòng hơn 9 tháng, ngân hàng sữa mẹ đã hoàn thành với diện tích 300 m2, vận hành đảm bảo hiệu quả và an toàn theo quy định.
|
Ngân hàng sữa mẹ có qui mô hơn 300 m2, có thể thanh trùng lên đến 62 lít sữa mỗi ngày. |
Với quy mô đầu tư gần 6 tỷ đồng, ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương là ngân hàng thứ tư của Việt Nam nhưng hiện có quy mô lớn nhất Việt Nam có thể thanh trùng lên đến 62 lit sữa mỗi ngày.
Bên cạnh những nỗ lực của bệnh viện và sự hỗ trợ của các chính quyền, cơ quan chức năng, ngân hàng sữa mẹ lớn nhất này được hoạt động suôn sẻ nhờ vào những bà mẹ hiến tặng sữa và đội ngũ tình nguyện viên Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương.
|
Ông Coln Brophy, Quốc vụ khanh, Bộ Ngoại giao Ireland, phụ trách phát triển quốc tế đến thăm ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Hùng Vương |
Chị Trần Thị Thanh Nhàn, một sản phụ vừa sinh con được 39 tuần, chia sẻ, chị nghĩ sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non bởi sữa có chất đề kháng. Do vậy, chị quyết định chia sẻ sữa của mình. Từ ngày 8/7/2022, chị đã đồng hành tặng sữa cho ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương khoảng 13 lít sữa.
Đây là những dòng sữa quý giá nên chị Nhàn tranh thủ sắp xếp thời gian để vắt sữa cho các bé, mỗi khi các chị bên ngân hàng sữa mẹ thông báo đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để lấy sữa, chị đều qua đó để tặng.
|
Từ khi triển khai Ngân hàng Sữa mẹ, Bệnh viện Hùng Vương đã vận động được 17 bà mẹ hiến 235l sữa thô. 13 bé đã bắt đầu được sử dụng sữa từ tháng 8/2022. |
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết thêm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở Bệnh viện Hùng Vương nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ tử vong sơ sinh ở Việt Nam hãy còn cao. Tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm đến 70 - 80% số ca tử vong trẻ em dưới 1 tuổi; 50 - 60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi.
Thống kê tại Bệnh viện Hùng Vuong, số trẻ vào khoa Sơ sinh là hơn 5.200 trường hợp trong năm qua. Hơn 12.000 lít sữa cung cấp cho trẻ tại khoa này, trong đó chỉ 5,5% là sữa mẹ, phần lớn phụ thuộc vào sữa công thức.
Trong khi đó, không phải người mẹ nào cũng có thể cho con bú, các nguyên nhân thường gặp là do mẹ bị bệnh hoặc đang dùng thuốc điều trị ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết khẳng định, sữa mẹ là lựa chọn tự nhiên và phù hợp nhất với trẻ đặc biệt trẻ non tháng, trẻ bệnh lý.
Sữa mẹ không chỉ giúp trẻ lớn nhanh và phát triển toàn diện mà còn tăng cường hệ miễn dịch, nhất là trong gia đoạn hệ thống miễn dịch trẻ chưa hoàn thiện, các kháng thể thụ động từ mẹ truyền sang con trong sữa mẹ sẽ giúp trẻ chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng xung quanh môi trường sống.
|
Sữa mẹ là giải pháp quan trọng nhất và có tiềm năng to lớn tác động đến sự sống còn của trẻ. |
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ thêm, với ngân hàng sữa mẹ này, trẻ có cơ hội tiếp cận nguồn sữa mẹ, không chỉ giúp trẻ có nguồn dinh dưỡng quý giá mà còn tăng cường miễn dịch hết sức cần thiết, từ đó góp phần giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ bệnh tật ở trẻ sơ sinh.
Đặc biệt, đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao, bao gồm trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi, trẻ nhiễm Covid-19, sữa mẹ sẽ giúp mang lại nguồn dinh dưỡng sẵn có với khả năng cứu sống tốt nhất.
Sữa mẹ là một liều thuốc đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho nhóm trẻ sơ sinh bệnh nặng, chưa thể bú sữa mẹ đẻ đang điều trị tại bệnh viện.
Từ khi triển khai Ngân hàng Sữa mẹ, Bệnh viện Hùng Vương đã vận động được 17 bà mẹ hiến 235l sữa thô. 13 bé đã bắt đầu được sử dụng sữa từ tháng 8/2022.