Kéo điện phục vụ cho doanh nghiệp nhưng người dân không được bồi thường

Một doanh nghiệp kéo điện 3 pha từ điểm đấu nối đến vùng nuôi cá tra nhưng không bồi thường cho người dân dù đường dây và trụ bê tông đi trên đất nhiều gia đình.
Hai tuần qua, người dân ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) gửi đơn khiếu nại khắp nơi để yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp việc doanh nghiệp kéo điện 3 pha phục vụ vùng nuôi cá tra ở Cồn Bùn nhưng không bồi thường giá trị đất đai, hoa màu và cây ăn trái ở khu vực bị ảnh hưởng lưới điện.
Keo dien phuc vu cho doanh nghiep nhung nguoi dan khong duoc boi thuong
 Lưới điện 3 pha phục vụ doanh nghiệp đi ngang qua đất của nhiều hộ dân. 
Theo đơn ký tập thể của 15 người thì tháng 2/2020, UBND xã Nhơn Mỹ kết hợp cùng Điện lực Kế Sách tổ chức họp dân để thông tin về việc triển khai lưới điện phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu. Ngoài nội dung trên thì người dân được thông báo dự án này không có bồi thường gì cho những hộ có lưới điện đi qua.
“Ý kiến người dân tham dự là yêu cầu UBND xã cùng Điện lực Kế Sách phải cung cấp đầy đủ quyết định của cấp có thẩm quyền thi công công trình, phương án thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để nhân dân cùng hợp tác. Xã và điện lực không cung cấp được mà chỉ tra lời: Công trình này không bồi thường”, đơn của các hộ dân nêu.
Ông Trần Anh Văn, người dân có đất và cây ăn trái dưới lưới điện cho biết mặc dù người dân phản đối việc không bồi thường nhưng đơn vị thi công vẫn đào hố dựng trụ bêtông. 
“Khi hay tin đất bị đào hố để dựng trụ điện, tôi đang trực hãng nước đá ở Vĩnh Châu đã bỏ việc để chạy về ngăn cản thì đơn vị thi công đào bên đất hàng xóm. Chúng tôi phản ứng thì lãnh đạo điện lực huyện nói muốn thưa thì đi thưa”, ông Văn nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Điện lực huyện Kế Sách nói: “Khi triển khai doanh nghiệp có phối hợp với điện lực và xã để mời dân thông qua. Ý doanh nghiệp là sau khi làm xong sẽ bàn giao cho ngành điện lực khai thác. Trong đó, họ cũng lắp trạm trung thế để sau này mình khỏi đầu tư. Thấy việc này rất có lợi cho địa phương nên nhờ xã vận động các hộ dân”.
Theo ông Nam, lúc đầu chỉ có 1 người đòi bồi thường, các hộ còn lại nêu quan điểm “ai sao tôi vậy”.
Keo dien phuc vu cho doanh nghiep nhung nguoi dan khong duoc boi thuong-Hinh-2
 Đơn khiếu nại của 15 người dân.
“Khi dựng trụ gần xong, còn một hai cây thì ông kia xúi, vô họp đòi thưa. Hôm đó chủ tịch xã có dự họp, tôi nói mấy anh thưa thì tôi không biết sao vì thưa là quyền công dân.
Mấy ổng nói tôi thách thức nên tôi phân tích là có lợi cho dân trong khu vực nhưng mấy ổng đòi bồi hoàn. Doanh nghiệp nói trong quá trình thi công nếu có hư hỏng cây cối thì bồi hoàn theo đơn giá của tỉnh”, ông Nam nói.
Phóng viên liên lạc lãnh đạo Công ty Điện lực Sóc Trăng thì một người có trách nhiệm nói: “Cái đó của doanh nghiệp kéo ngang đất người ta chứ không phải ngành điện lực kéo. Họ làm vậy là bậy. Họ hợp đồng với thầu bên ngoài thi công và kéo phục vụ công việc của họ thì họ phải có trách nhiệm bồi hoàn”.
Gia Hân

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN