Tại các siêu thị điện máy, việc xả hàng trưng bày là hình thức các cửa hàng vẫn làm hàng tháng hoặc từng quý kinh doanh để loại bỏ mẫu cũ hay những model không còn được sản xuất.
Cách chọn mua tivi hợp lý nhất cho gia đình
Theo đó, mức giá "xả" mặt hàng này cũng có giá tốt hơn hẳn, giảm đến 30-60% so với giá thành của sản phẩm. Điều này thu hút rất đông người tiêu dùng cân nhắc, lựa chọn.
Là một người cũng có nhu cầu mua thêm chiếc ti vi cho phòng riêng của con gái, vợ chồng anh chị Lưu Thị Quyên và Đỗ Hoàng ở Hà Nội hơn 2 tháng trước đã đến một siêu thị điện máy lớn gần nhà để tìm hiểu mua chiếc ti vi mới.
Sau khi tham khảo một vòng quanh khu vực điện tử, anh Hoàng và chị Quyên vẫn còn khá phân vân: "Ban đầu đến trung tâm điện máy này tôi định mua một mẫu 43 inch của Samsung với giá gần 20 triệu đồng. Song sau đó, bà xã nhà tôi lại nhìn qua mẫu của LG 49 inch đang bán có giá chỉ 13 triệu đồng. Thấy mức giá quá ưu đãi, tôi hỏi nhân viên siêu thị điện máy thì mới biết đó là hàng trưng bày, đang được giảm giá đến 50%".
Khi còn đang phân vân không biết hàng trưng bày có tốt như hàng mới không thì nhân viên bán hàng khẳng định đó là sản phẩm "nguyên tem" chưa qua sửa chữa, được 1 đổi 1 trong vòng 2 tháng, có bảo hành 3 tháng.
"Ngay lúc ấy tôi cũng tìm hiểu thì được biết, tivi hàng trưng bày là những sản phẩm chính hãng được bày bán trên các siêu thị điện máy, không phải là hàng của khách đổi trả lại.
Các siêu thị điện máy thường sử dùng hàng trưng bày như thế để cho khách hàng có thể dễ dàng quan sát hơn, dễ dàng trải nghiệm sản phẩm hơn.
Những chiếc ti vi này cũng được kiểm duyệt chất lượng hết sức kĩ càng để khách hàng có thể đến xem một cách trực tiếp. Sau thời gian "trình làng", sản phẩm đã lỗi mốt hoặc hết hàng sẽ được siêu thị giảm giá 30-60%", anh Hoàng nói.
|
Ảnh minh họa. |
Do yên tâm chiếc tivi này không phải hàng cũ, hàng sửa chữa lại và có giá rẻ bất ngờ nên vợ chồng trẻ này quyết định mua ngay: "Hôm ấy có rất nhiều khách hàng cũng thích, muốn lấy chiếc tivi này vì giá ưu đãi quá. Tính ra, giá chiếc ti vi này giảm ½ giá sản phẩm tương tự còn nguyên đai nguyên kiện. Vợ chồng tôi cứ nghĩ mua được món hời, nào đâu mua về dùng mới lĩnh trái đắng".
Theo người đàn ông này chia sẻ, khi mua về nhà mới chỉ được 3 tuần thì chiếc tivi mới mua này đã liên tục bị mất tín hiệu khi đang xem. Bực nhất là khi chuyển kênh hay tìm kiếm thì rất chậm vì điều khiển từ xa có vấn đề. Lúc này, anh Hoàng mới gọi đến trung tâm điện máy để phản ánh và yêu cầu cho nhân viên tới kiểm tra.
"Nhân viên kỹ thuật của siêu thị xuống nhà kiểm tra thì họ khẳng định đây là model cũ. Loại model này siêu thị ngừng kinh doanh nên không thể nhanh được bằng những chiếc tivi đời mới. Biết là rước bực mình nhưng vợ chồng tôi cũng phải ngậm ngùi chấp nhận vì tiền nào của đấy", anh Hoàng nói.
Nhưng sau đó 2 tháng, chiếc ti vi này đã xuống cấp hơn. Biểu hiện rõ nhất ở chất lượng hiển thị hình ảnh không nét như hôm đầu xem. Anh Hoàng lại gọi điện phản ánh thì được nhân viên giải thích, sau một thời gian dài hoạt động ở các showroom thì chất lượng hình ảnh không còn như ngày đầu là điều hoàn toàn có thể dễ hiểu.
"Tôi lại tặc lưỡi cho qua. Nhưng vài ngày sau đó khi chưa hết 2 tháng bảo hành thì rắc rối khác lại ập đến. Ti vi đang xem đột nhiên tắt phụt, không còn tín hiệu. Quá bực mình tôi lại phải gọi nhân viên kỹ thuật xuống. Họ bảo ti vi bị mất nguồn và phải mang đi sửa chữa. Lúc này tôi yêu cầu đổi trả sản phẩm thì trung tâm điện máy báo đã hết hàng tương tự để đổi. Tôi đề xuất trả lại thì họ bảo phải mất phí 20%".
Quá bực mình nên vợ chồng anh Hoàng quyết định mất hơn 2 triệu đồng để trả lại chiếc tivi mới mua hơn 2 tháng trên vì quá ám ảnh lo sợ: "Dùng tivi như vậy bực mình quá. Chưa kể không biết sửa xong nó có lại dở chứng không. Tôi cảm thấy khó chịu bởi vừa mất thời gian vừa chuốc bực bội vào người. Vì thế quyết định trả lại để mua một tivi mới tránh các phiền phức về sau".
|
Ảnh minh họa. |
Theo anh Phạm Hữu Thuần – nhân viên sửa chữa điện máy ở khu vực Hà Đông giải thích, đối với các mặt hàng như tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng..., người tiêu dùng có thể mua hàng trưng bày.
Nguyên nhân vì chúng không vận hành nhiều, thậm chí là không vận hành bởi chỉ đặt cho người dùng trải nghiệm. Song với mặt hàng tivi thì khác.
Khi trưng bày, các quản lý cửa hàng luôn yêu cầu nhân viên kỹ thuật phải bật mức hiển thị cao nhất sao cho hấp dẫn khách hàng. Do đó, những chiếc ti vi luôn được bật từ lúc siêu thị điện máy mở cửa cho đến lúc đóng cửa, tức là chỉ được "nghỉ" vài giờ mỗi ngày.
"Mỗi một linh kiện điện tử đều có tuổi thọ nhất định và tivi cũng vậy. Việc hoạt động hàng chục giờ mỗi ngày, hàng trăm giờ mỗi tháng ở hiệu năng cao nhất sẽ khiến các bộ phận dần giảm tuổi thọ theo thời gian, đặc biệt là tấm nền màn hình. Do đó, sẽ kéo theo chất lượng hiển thị giảm, thậm chí hỏng hóc chỉ sau một thời gian ngắn mua về", anh Thuần khẳng định.
Để tránh bị tiền mất tật mang, ôm cục tức vào người, theo thợ sửa chữa điện máy này cho biết người mua phải sành sỏi và có kinh nghiệm về mua loại ti vi này. Nếu không biết rõ thì tốt nhất không nên mua hoặc mua sản phẩm mới hay phải nhờ người có kinh nghiệm đi cùng, tránh tiền mất tật mang.
"Khi mua phải hỏi kỹ dòng máy, đời máy vì mẫu xả hàng thường được sản xuất nhiều năm về trước, càng cũ thì càng không nên mua. Bên cạnh đó, kiểm tra ngoại hình thiết bị xem va đập hay chưa, kiểm tra các tính năng bên trong, nguồn gốc xuất xứ và việc bảo hành cũng là điều đáng quan tâm và cần hỏi thật rõ trước khi mua tivi trưng bày", anh Thuần chia sẻ.