Hà Nội đỉnh điểm ô nhiễm không khí: Ai bảo vệ người dân?

Ghi nhận của phóng viên chiều 16/12, nhiều công trình xây dựng ở Hà Nội không được che chắn, bụi đất, vật liệu xây dựng la liệt dưới lòng đường, vỉa hè. Cá biệt, có nơi dùng máy thổi để làm sạch mặt bằng, khiến bụi bay mù mịt.

Thiếu trách nhiệm?

Chiều 16/12, một đoạn đường Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) bị cào mặt nhựa để chuẩn bị làm lại. Hàng nghìn phương tiện qua lại khiến bụi bay mù mịt. Dọc đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), nhiều đoạn cũng bị cào lên lát lại, các vật liệu xây dựng được để tạm dưới lòng đường, vỉa hè. Đặc biệt, đoạn đường Vũ Trọng Phụng đang giải phóng mặt bằng, nhiều khu vực tập kết cả bãi vật liệu “khổng lồ” trên vỉa hè. Mỗi cơn gió thổi qua, bụi bay mù mịt.

Trên phố Ngụy Như Kon Tum, một số công trình đào móng, thi công khu vực giáp với đường nhưng không che chắn. Đất cát, vật liệu xây dựng đổ đống ở vỉa hè. Dọc đường Phạm Hùng, công trình san lấp hàng nghìn mét vuông đất cũng không có gì che chắn. Xe ủi đất chạy qua, từng đợt bụi theo gió thổi ra ngoài đường. Đáng chú ý, tại đại lộ Thăng Long, một số công nhân dùng máy thổi để làm sạch mặt bằng, bụi bay lan ra ngoài, ảnh hưởng đến người dân di chuyển trên đường.

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau Kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Nguyên nhân đầu tiên là khoảng 56 nghìn hộ gia đình đang sử dụng than tổ ong.

Hà Nội đang xây dựng kế hoạch từ tháng 10/2019 cho đến 31/12/2020, sẽ vận động tuyên truyền để các hộ sử dụng than tổ ong này sử dụng sang các nguồn nguyên liệu khác như dùng điện, dùng gas…Nguyên nhân thứ hai là chất thải từ các nhà máy ở Hà Nội và trên địa bàn các tỉnh xung quanh Hà Nội; chất thải từ các xe máy, ô tô; các xe chở rác thải, vật liệu xây dựng từ các tòa nhà.

“Trong quá trình xây dựng các công trình, chúng ta quản lý không tốt, che chắn không tốt. Trong quá trình phá dỡ các tòa nhà cũng thế. Chúng tôi đã đi các nước, người ta vừa phá dỡ vừa phun nước, không có một tí bụi nào. Các công trình được che kín mít. Nhà hàng bên cạnh vẫn mở cửa được và nếu vi phạm bị phạt rất nặng”, ông Chung nói.

Ông Chung cho biết, thành phố đã có giải pháp, như thu gom vận chuyển rác thải bằng xe, quét rác, hút bụi bằng xe, nhưng chưa đảm bảo. “Bởi xe này phải chạy với tốc độ phù hợp, phun nước trước rồi mới hút bụi, nhưng hiện nay lái xe cứ chạy vù vù, nước thì không phun nên chưa hút được hết”, ông Chung nói.

Ha Noi dinh diem o nhiem khong khi: Ai bao ve nguoi dan?
 

Khó thở

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, anh Nguyễn Văn Dũng, nhà ở 987 Tam Trinh cho biết, đã lâu gia đình anh không dám mở cửa sổ. Về nhà là anh đóng cửa, buông rèm ở trong nhà nhưng không hiểu vì sao bụi vẫn vào nhà. “Tôi thử nghiệm bằng cách để một chiếc điện thoại lên bàn, sáng hôm sau ngủ dậy thấy một lượt bụi phủ kín màn hình luôn”, anh Dũng nói.

Anh cũng lo ngại vì thời gian gần đây, một số ngày anh thấy hay bị ho, hít thở khó, cộng với hôm nào trời khô, trong mũi còn có một chút máu. “Bạn tôi giải thích, có thể do thời tiết hanh khô nên bị như vậy. Tuy nhiên, cũng có thể do ảnh hưởng của bụi quá nhiều”, anh Dũng nói.

Anh Nguyễn Tuấn Điệp vừa từ TPHCM ra Hà Nội đám cưới bạn cũng bất ngờ vì không khí Hà Nội quá ô nhiễm. Dù TPHCM cũng thuộc vào nhóm những thành phố bị cảnh báo về ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, anh Điệp cho biết, ở TPHCM thời tiết dễ chịu hơn vì có mưa, độ ẩm cao, cảm giác hít thở dễ hơn.

Chị Đông Huyền từ Quảng Ngãi ra Hà Nội chơi cũng cho biết, chị cảm thấy cổ họng khó chịu khi hít thở. “Đúng là Hà Nội đang ô nhiễm quá”, chị Huyền nói.

Một số du khách đến Hà Nội cho biết, nếu nhìn từ máy bay, hoặc đơn giản là nhìn từ cầu Nhật Tân về nội đô Hà Nội sẽ thấy một lớp không khí màu xám bao quanh các tòa nhà, khác hẳn so với vùng không khí xung quanh.

Chủ tịch Hà Nội nói gì?

Trả lời cử tri trong cuộc tiếp xúc mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã hợp tác với các đơn vị và kêu gọi đầu tư tư nhân bỏ tiền ra nhập các thiết bị máy móc để phá dỡ các tòa nhà. Các máy này sẽ nghiền vụn, lọc đất ra đất, cát ra cát, bê tông ra bê tông, hoàn toàn không có bụi. Vật liệu này có thể tái sử dụng. Máy về hai năm nay nhưng chưa có chế tài bắt buộc các đơn vị khi phá dỡ phải chở vật liệu đến đây. Bộ Xây dựng chưa có quy định dùng lại các vật liệu tái tạo này cho nên chưa hiệu quả.

“Thành phố đang đồng bộ rất nhiều giải pháp để chống, phòng và tiến tới giảm dần, không còn ô nhiễm. Cái này đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình và có kế hoạch khoa học”, ông Chung nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, ngay từ năm 2016, Hà Nội đã hợp tác với một tập đoàn của Paris, chính là tập đoàn đang tư vấn giảm thiểu ô nhiễm không khí của Bắc Kinh, đang thực hiện quan trắc, đưa ra các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm cho Thủ đô Paris và toàn nước Pháp.

“Trực tiếp tôi đã sang tận nơi thăm và ngày 6/5/2016, được sự đồng ý của Thủ tướng, Bộ Ngoại giao và Thành ủy, tôi đã ký cùng với đại sứ Pháp và tập đoàn này để hợp tác toàn diện nghiên cứu và đưa ra các giải pháp chống ô nhiễm về môi trường nói chung, trong đó có ô nhiễm không khí”, ông Chung nói thêm.

Ông Chung cho biết, từ nay đến hết tháng 6/2020, sẽ cố gắng lắp đặt khoảng 120 trạm quan trắc môi trường trên toàn thành phố, trong đó có 10 trạm di động, lắp đặt ở khu vực nào có ô nhiễm để xác định thông số. “Việc đầu tiên chúng ta phải có các trạm quan trắc thì mới đánh giá được mức độ ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm, đưa ra được các giải pháp có hiệu quả”, ông Chung nói.

Theo TP

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN