Theo Bộ Công Thương, tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao. Cụ thể, thuế và phí chiếm khoảng 55%-60% đối với mặt hàng xăng và 35%-40% đối với mặt hàng dầu. Trong đó, riêng thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và 11%-20% đối với mặt hàng dầu.
Do vậy, Bộ Công Thương mới đây đã đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng cần giảm các loại thuế, phí mà 1 lít xăng phải cõng để có thể giảm sâu giá xăng xuống mức 7.000-8.000 đồng/lít. Từ đó giúp kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng xuống, kích cầu mua sắm, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay giá bán lẻ xăng A95 là 11.939 đồng/lít. Tuy nhiên, theo Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, cơ cấu giá xăng có bốn sắc thuế gồm: Thuế nhập khẩu 20% (tương ứng 624 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 312 đồng), thuế giá trị gia tăng 10% giá bán (tương ứng 1.085 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít.
Ngoài ra, mỗi lít xăng phải chịu thêm chi phí kinh doanh định mức 1.050 đồng/lít, lợi nhuận định mức tối đa 300 đồng/lít, mức trích lập quỹ bình ổn với xăng A95 là 1.400 đồng/lít và lợi nhuận của doanh nghiệp. Tổng của bốn sắc thuế và các loại phí tối đa là 8.771 đồng.
Như vậy, tính chung các khoản thuế, phí trong giá thành 1 lít xăng có khi chiếm đến 73,5%, còn tính riêng các loại thuế chiếm 50,5%. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng bị đẩy lên cao dù giá thế giới giảm sâu.
|
Giá xăng, dầu sẽ giảm sâu? |
Giảm thuế để khuyến khích sử dụng xăng sinh học
Trong đề xuất gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cũng cho rằng cần xem xét điều chỉnh giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng sinh học E5 cho phù hợp với thực tế để tạo mức chênh lệch giá và khuyến khích sử dụng xăng sinh học.
Lý do là hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 đang ở mức 3.800 đồng/lít. Việc tính thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 bằng 95% mức thuế bảo vệ môi trường của xăng khoáng như hiện nay là chưa phù hợp. Không nên áp dụng một cách cơ học mức thuế 95% mà phải đánh giá dựa vào mức độ khí phát thải khi sử dụng xăng E5.
Dẫn các nghiên cứu đã được thực hiện, Bộ Công Thương cho biết việc sử dụng xăng E5 làm giảm đáng kể các khí thải gây ô nhiễm môi trường như khí CO giảm 27,76%, HC giảm 16,23%... so với các loại xăng khoáng thông thường.
Vì vậy, Bộ Công Thương nhấn mạnh cần cân nhắc đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng E5 dựa theo mức độ phát thải chỉ khoảng 75%-80% mức thuế đối với xăng khoáng.