Cụ thể, tour du lịch trực thăng ngắm Vịnh Hạ Long được các đơn vị du lịch lữ hành rao bán với 3 mức giá cơ bản theo thời gian bay và vị trí ngồi khác nhau.
Trong đó, mức giá thấp nhất là 1,9 triệu đồng/người cho 3 vị trí ghế sau, thời gian bay 10 phút và 2,2 triệu đồng/người cho vị trí ngồi cạnh phi công.
Lịch trình cho chuyến bay 10 phút gồm xuất phát từ bãi đỗ trực thăng Tuần Châu - Động Thiên Cung - Hòn Đỉnh Hương - Hòn Gà Chọi - Hòn Vạn Bội - Đảo Titop - Hòn Chân Voi rồi quay trở lại bãi đỗ.
Tiếp đó, là lịch trình bay 15 phút xuất phát từ bãi đỗ trực thăng Tuần Châu - Động Thiên Cung - Hòn Trống Mái - Hang Sửng Sốt - Đảo Titop - Vòng quay mặt trời - Cầu Bãi Cháy - Ngọn Hải Đăng - Bãi biển Bãi Cháy - Đảo Rều có giá 3,2 triệu đồng/người cho vị trí ghế ngồi cạnh phi công và 2,9 triệu đồng/người cho 3 vị trí ghế sau.
Cuối cùng với tour du lịch trực thăng ngắm Vịnh Hạ Long trong 30 phút có giá cao nhất lên tới 6,1 triệu đồng/người cho ghế ngồi cạnh phi công và 5,8 triệu đồng/người cho 3 vị trí ghế ngồi sau.
Mức giá nêu trên đã bao gồm thuế VAT và bảo hiểm hành khách lên đến ba mươi triệu USD/sự vụ.
Hiện chưa rõ đơn vị khai thác tour và công ty bảo hiểm nào chịu trách nhiệm vụ rơi máy bay trực thăng tại Hạ Long hôm 5/4.
|
Hiện trường vụ máy bay trực thăng EC-130T2 số hiệu VN-8632 thuộc Trung tâm Huấn luyện bay bị rơi. |
Trao đổi với một đơn vị điều phối tour trực thăng ngắm cảnh Hạ Long, mức cam kết bồi thường thiệt hại cho sự cố lên tới 30 triệu USD/sự vụ. Mức bồi thường này dành cho tối đa 4 hành khách, không bao gồm phi công.
Năm 2021, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) đã giải quyết bồi thường bảo hiểm 3,5 triệu USD tổn thất toàn bộ thân máy bay cho máy bay trực thăng EC-130T2 số hiệu VN-8632 thuộc Trung tâm Huấn luyện bay (Công ty Trực thăng miền Nam, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam), theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.
Vào thời điểm xảy ra sự cố, có 3 phi công gồm một phi công giáo viên và 2 học viên trên máy bay. Xác chiếc máy bay bị rơi và 3 phi công hy sinh đã được tìm thấy một ngày sau đó. PVI cũng từng tạm ứng hỗ trợ 1,5 tỷ đồng cho gia đình 3 phi công hy sinh.
PVI là nhà bảo hiểm gốc cho toàn bộ đội bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam từ năm 2009, bao gồm các loại bảo hiểm như bảo hiểm thân máy bay, trách nhiệm dân sự đối với hành khách trên máy bay và trách nhiệm pháp lý đối với phi hành đoàn.
Ngoài việc là nhà bảo hiểm chính cho Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, PVI còn là nhà bảo hiểm cho các hãng hàng không dân dụng tại Việt Nam, bao gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air.