Lễ hội Chùa Ông - Đồng Nai
Đến hẹn lại lên, lễ hội Chùa Ông sẽ diễn ra từ ngày mùng 10-13 tháng Giêng âm lịch với nhiều hoạt động phong phú: Lễ nghinh các vị thần; khai lễ, mở hội; lễ cúng trời và thả phúc khí cầu; lễ cầu an và thả hoa đăng trên sông Ðồng Nai…
Riêng phần hội, sẽ diễn ra nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; hội thi trò chơi dân gian (kéo co, nhảy bao bố); biểu diễn tuồng cổ, lân – sư – rồng; giao lưu thư pháp; trưng bày tranh thủy mặc…
Nét mới của Lễ hội chùa Ông là lễ nghinh các vị thần có công mở mang, bảo vệ vùng đất Biên Hòa – Ðồng Nai như Tứ đại Thiên Vương, Phúc Ðức Chánh Thần, Thần tài gia gia, Na Tra thái tử sẽ do các nghệ nhân thực hiện bằng mô hình rất sống động như thật.
Ngoài ra lễ rước thần diễu hành quanh khu vực chợ Biên Hòa sẽ có thêm biểu diễn tạp kỹ, phát bao lì xì cho người dân, các tiết mục múa hoa trên đường phố sẽ được các thiếu nữ người Hoa biểu diễn; tăng cường nhạc công biểu diễn nhạc cổ truyền trên đường phố… tạo thành “lễ hội đường phố” nhiều màu sắc.
Lễ hội Chùa Ông được xem là lễ hội lớn của tỉnh Đồng Nai. Thông qua Lễ hội nhằm tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của di tích quốc gia Chùa Ông. Đồng thời giáo dục truyền thống, tri ân những bậc tiền nhân đã có công trong việc mở mang, bảo vệ vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai; nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc…
Lễ hội Núi Bà Đen - Tây Ninh
Lễ hội xuân núi Bà Đen được khai mạc đúng mùng 4 Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng Giêng nhưng lễ hội chính diễn ra từ 15 đến 18/1 âm lịch.
Đây là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhất ở miền Nam. Trên đường lên lễ ở núi Bà Đen, du khách còn có thể dừng chân tại đền Linh Sơn Thánh Mẫu hoặc Miếu Sơn Thần.
Đến lễ hội núi Bà Đen, du khách thập phương có thể cầu nguyện Thánh Mẫu phù hộ gia đạo tốt lành, gặp nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi. Điểm ấn tượng nhất khi tới lễ hội đền Bà Đen là văn hóa mộ đạo, không đặt nặng vấn đề cúng tiền.
Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu - Bình Dương
Lễ hội diễn ra từ ngày 13-15 tháng Giêng. Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu là một trong những lễ hội đầu xuân nối tiếng ở miền Nam nhất định phải đến mỗi dịp Tết đến xuân về.
Sáng 14 tháng giêng, lễ rước Bà Thiên Hậu được tổ chức theo nghi thức truyền thống, kiệu Bà được rước khắp phố phường cùng đội múa sư tử, múa lân, rồng, cờ xí... Đến ngày cuối cùng của hội, ngày rằm tháng giêng, dân chúng về chùa Bà thắp hương cầu cúng, mong phúc lộc.
|
(Ảnh: Sưu tầm) |
Theo tín ngưỡng của người Hoa, bà Thiên Hậu là một vị thần phò trợ cho họ trong những chuyến đi dài trên biển, tiếp đến là che chở cho họ ở những vùng đất mới.
Tương truyền bà là người có thật, tên gọi Lâm Mị Châu người Phúc Kiến, đời Tống với những biệt tài rất đặc biệt từ lúc còn nhỏ như nghe và nhìn thấy một sự vật cách xa hàng vạn dặm.
Điểm nhấn của ngày chính lễ là nghi thức rước kiệu bà đi một vòng quanh thành phố. Sau đó, mọi người có thể vào viếng Bà, thắp nén hương thơm để tưởng nhớ tới công đức của Bà.
Đền Đức Thánh Trần - TP HCM
Diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Giêng hàng năm, hội đền Đức Thánh Trần ở TP HCM cũng là dịp để tri ân công đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời giáo dục truyền thống, lịch cho thế hệ trẻ.
Đi du lịch Sài Gòn vào dịp du lịch lễ hội, tham gia lễ hội Đức thánh Trần ở Sài Gòn, du khách còn được tham quan nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa đặc biệt ở nơi đây.
Lễ hội Vía Bà - Bình Định
Khai hội từ ngày 17 tháng Giêng hàng năm, lễ hội Vía Bà ngoài phần tế lễ, dâng hương, còn có phần trình diễn đội lân, đội rồng trực khai phần xướng hát lễ.
Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm tại địa phương để tưởng nhớ công ơn đức độ của bà Đỗ Thị Tân.
Tương truyền, cách nay hơn 350 năm, bà Đỗ Thị Tân - một người hành nghề đỡ đẻ đã giúp nhiều sản phụ địa phương sinh con dễ dàng, được “mẹ tròn, con vuông”.
Nghe tiếng đức độ và tấm lòng liệt nghĩa của bà, vua Tự Đức tặng sắc phong “Ân Đức Độ Nhân”. Khi bà mất nhân dân lập miếu thờ với tên gọi “Hội Sản Nương Thần Miếu”.
Năm 2006 Miếu Bà đã được UBND tỉnh công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh.
Lễ hội Dinh Cô
Lễ hội Dinh Cô diễn ra từ ngày 10 tới ngày 12/2 Âm lịch tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu. Nơi đây thờ bà Lê Thị Hồng Thủy – sau khi chết xác trôi dạt vào bờ được người dân chôn cất cô và lập miếu thờ trên đồi cao.
Vào ngày chính hội, du khách đều cầm trên tay một cành huệ trắng – tượng trưng của sự tinh khiết của cô gái và một nén nhang để thắp trên bàn thờ. Và hàng trăm ngàn ghe thuyền xếp hàng ngay ngắn trên biển để chuẩn bị cho nghi lễ “Nghinh Cô” đầy tôn kính và linh thiêng.