Doanh nghiệp trốn, né đóng bảo hiểm xã hội: Vẫn khó xác minh, xử lý

Tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội  đã gây thiệt hại, xâm phạm đến quyền lợi của người lao động. Nhưng quá trình xác minh, xử lý các doanh nghiệp vi phạm còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội vào chiều 3/8, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM cho biết một trong nguyên nhân của tình trạng này là do trong các kiến nghị khởi tố của cơ quan bảo hiểm xã hội, nhiều trường hợp có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp ( BHTN) cho người lao động lần đầu, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nên hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Ngoài ra, hồ sơ BHXH khi chuyển giao cho cơ quan điều tra chưa đảm bảo giá trị pháp lý. Hồ sơ chuyển giao không có chứng từ, tài liệu thể hiện hành vi cố tình trốn tránh không đóng bảo hiểm.
Doanh nghiep tron, ne dong bao hiem xa hoi: Van kho xac minh, xu ly
Ông Lê Mạnh Hà trả lời  báo chí về vấn đề doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động. 
Theo ông Hà, nguyên nhân trốn đóng BHXH cho người lao động thì có nhiều nhưng chủ yếu là do ý thức chưa tốt trong nhiệm vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Bên cạnh đó còn do nhận nhận thức người lao động còn hạn chế, sợ mất việc nên không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Song song đó là do tình hình suy thoái Kinh tế, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động kinh doanh sau thời gian dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, phá sản nhiều, nên không có điều kiện thực hiện. Hiện nay, Công an TP HCM đang thực hiện xác minh, củng cố hồ sơ tài liệu chứng cứ để xử lý các đơn vị doanh nghiệp có hành vi trốn đóng BHXH theo quy định.
Nhưng quá trình xác minh, khởi tố doanh nghiệp trốn đóng BHXH còn chậm. Do hồ sơ BHXH khi chuyển ra cơ quan điều tra thường chưa đủ điều kiện pháp lý. Nhiều tài liệu là photo, chưa được cung cấp bản gốc. Hồ sơ chuyển giao chưa có chứng cứ tài liệu thể hiện rõ hành vi cố tình trốn tránh, không đóng BHXH đã áp dụng đối với đơn vị vi phạm.
Trong các kiến nghị khởi tố của cơ quan BHXH với nhiều trường hợp vi phạm có tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN lần đầu chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nên hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Doanh nghiep tron, ne dong bao hiem xa hoi: Van kho xac minh, xu ly-Hinh-2

Việc điều tra, xác minh giải quyết, xử lý các doanh nghiệp có vi trốn đóng BHXH cho người lao động còn gặp nhiều khó khăn (Hình minh hoạ). 

Công tác thanh kiểm tra của cơ quan BHXH diễn ra đã lâu. Có hồ sơ khi cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. HCM nhận được thì đã có kết quả thanh tra từ năm 2017. Hiện nhiều doanh nghiệp đã chuyển đi địa phương khác. Trong nhiều trường hợp, phát hiện ra các cá nhân, tổ chức có biểu hiện vi phạm, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thay đổi pháp nhân, hoặc tuyên bố phá sản để tránh, né các nghĩa vụ phải thực hiện cho người lao động nên gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh.
Theo ông Hà, để phục vụ cho công tác xác minh, Công an TP. HCM cần thu thập toàn bộ hồ sơ, thanh tra các quy định có liên quan tới công tác bảo hiểm cũng như Bản kết luận của Hội đồng giám định chuyên môn, tuy nhiên, việc cung cấp thông tin của các cơ quan này cũng còn chậm làm ảnh hưởng tới tiến độ điều tra, giải quyết các vụ việc.
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho biết, hiện, Lãnh đạo Công an TP.HCM đã có chỉ đạo rõ, các phòng nghiệp vụ và các đơn vị thụ lý các vụ việc liên quan sẽ phải đẩy nhanh tiến độ nhằm giải quyết, xử lý nghiêm các vụ việc nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH cho người lao động.
Huyền Nga

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN