Doanh nghiệp kêu cứu dù được tỉnh kêu gọi làm bến xe

Được Cà Mau kêu gọi đầu tư bến xe theo chủ trương của tỉnh, nhưng sau đó doanh nghiệp này gặp nhiều vướng mắc. Đơn vị gửi đơn yêu cầu đến tỉnh và các sở ngành để giải quyết nhưng chưa được.
Đó là trường hợp của Công ty TNHH MTV Bến xe khách - tải Đồng Tâm - xăng dầu Vạn Lợi (gọi tắt là Công ty Bến xe Đồng Tâm) ở khóm 1, phường Tân Thành (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau).
Hai lần được kêu gọi làm bến xe
Ngày 7/2/2022, bà Trần Hồng Nhan, Giám đốc Công ty Bến xe Đồng Tâm gửi đơn yêu cầu (bổ sung lần 3) đến ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và các sở, ngành liên quan, tiếp tục trình bày, bổ sung thêm những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp mình gặp phải.
Trong đơn trình bày, năm 2013 và 2014, tỉnh Cà Mau quy hoạch bến xe 4,6 ha tại cầu Cái Nhúc thuộc khóm 6, phường Tân Thành (TP Cà Mau) cấp cho Công ty Nam Khánh nhưng công ty này không làm.
“Cuối năm 2014, tình trạng xe dù bến cóc ở TP Cà Mau trở thành vấn nạn gây mất ANTT nhất là về TTATGT, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân, nhiều báo, đài phản ánh dữ dội. Trước tình trạng trên, ông Dương Hoài Nam, Giám đốc Sở GTVT (thời điểm đó) có trao đổi và vận động tôi làm bến xe liền kề với cây xăng để giảm tải cho bến xe phường 6, đồng thời giải quyết dứt điểm vấn nạn xe dù bến cóc.
Thời điểm đó tôi không đồng ý vì Nhà nước chưa cho phép cá nhân mở kinh doanh bến xe”, bà Nhan trình bày trong đơn.
Doanh nghiep keu cuu du duoc tinh keu goi lam ben xe
Bến xe khách - tải Đồng Tâm. Ảnh: Lê Xuân Thọ 
Đến năm 2015, ông Nam tiếp tục kêu gọi bà Nhan làm bến xe và cho biết Nhà nước đã cho phép xã hội hóa làm bến xe, theo Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg ngày 16/4/2015 của Thủ tưởng Chính phủ về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách.
Ngày 7/5/2015, bà Nhan đồng ý theo kêu gọi và viết đơn xin thành lập Bến xe khách và xếp dỡ hàng hóa (gọi tắt là bến xe) đạt tiêu chuẩn bến xe loại 4, khi nhu cầu thực tế tăng lên sẽ tiến hành lập thủ tục nâng cấp lên bến xe đạt loại 3 (vì nền hạ đã có sẵn) gửi cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau.
Sau khi khảo sát, kiểm tra thực tế vị trí xin đầu tư bến xe, ngày 26/5/2015 Sở GTVT Cà Mau có Tờ trình số 82/TTr-SGTVT về việc xin chủ trương đầu tư bến xe đạt tiêu chuẩn bến xe loại 4; nguồn vốn và phần đất để đầu tư là thuộc doanh nghiệp.
Ngày 25/6/2015, sau khi có ý kiến của các Sở và UBND TP Cà Mau, Sở KH&ĐT Cà Mau có Công văn số 1008/SKHĐT-HTĐT báo cáo UBND tỉnh Cà Mau về việc Công ty Bến xe Đồng Tâm xin làm bến xe là phù hợp với chủ trương mời gọi đầu tư của tỉnh, đồng thời đề xuất: Vị trí công ty xin đầu tư bến xe có quy hoạch là khu dân cư nên việc đầu tư cần xem xét điều chỉnh quy hoạch cục bộ khu vực trên.
Ngày 30/6/2015, Thường trực UBND tỉnh Cà Mau ban hành Công văn số 3368/UBND-XD, đồng ý chủ trương cho DNTN xăng dầu Vạn Lợi (tiền thân của Công ty Bến xe Đồng Tâm) đầu tư tạm thời bến với địa điểm xây dựng, quy mô đầu tư phù hợp với nguồn vốn và phần đất xây dựng như đề xuất của Giám đốc Sở GTVT tại Tờ trình số 82/TT-SGTVT ngày 26/5/2015. Đồng thời, giao Sở KH&ĐT hướng dẫn DNTN xăng đầu Vạn Lợi quy trình, hồ sơ, thủ tục đầu tư đúng theo quy định.
Doanh nghiep keu cuu du duoc tinh keu goi lam ben xe-Hinh-2
 Dù được mời gọi đầu tư như chủ Bến xe khách - tải Đồng Tâm đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết. Ảnh: Lê Xuân Thọ
Nhiều khó khăn kéo dài
Ngày 14/09/2015, UBND tỉnh Cà Mau cấp Giấy phép quy hoạch số 82/GPQH- UBND cho DNTN xăng dầu Vạn Lợi làm bến xe với thời gian hoạt động ổn định tối thiểu là 10 năm theo Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg ngày 16/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Với tính cấp bách về nhu cầu của bến xe tại khu vực trên nên, doanh nghiệp của bà Nhan đã nhanh chóng làm bến xe. Đến ngày 27/1/2016, bến xe được đưa vào khai thác theo Quyết định số 51/QĐ-SGTVT của Sở GTVT tỉnh Cà Mau.
Tuy nhiên, sau đó nhiều khó khăn, vướng mắc xuất hiện. Chẳng hạn như theo quy định, khi có điều chỉnh quy hoạch, thì doanh nghiệp bà Nhan sẽ được ưu tiên cho làm bến xe mới, nhưng doanh nghiệp đang được đề nghị thực hiện Bến xe khách tỉnh Cà Mau không phải của bà Nhan.
Hơn nữa, phần diện tích đất đã được cấp cho doanh nghiệp bà Nhan trước đó lại bị thu hồi, giao cho Công ty 268 để làm khu đô thị. “Công ty 268 không phải là chủ đầu tư dự án BT, việc này trái với quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về dự án BT; trái với quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật đất đai 2013 về chính sách thu hồi đất”, bà Nhan phân tích trong đơn.
Trong đơn, bà Nhan cũng cho biết, chủ trương cho doanh nghiệp bà làm bến xe ổn định tối thiểu 10 năm, nhưng vào ngày 8/5/2019, Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Cà Mau đã yêu cầu doanh nghiệp bà giao 6.000 m2 đất đã đầu tư xây dựng bến xe cho Công ty 268.
Sau đó, doanh nghiệp này nhiều lần gửi đơn, gặp gỡ các sở ngành với mong muốn giải quyết khó khăn, vướng mắc. “Ngày 7/3/2020, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có hứa với tôi và một số bà con sẽ giải quyết đơn theo hướng giữ nguyên hiện trạng bến xe nhưng đến nay chưa thực hiện”, đơn của bà Nhan nêu rõ.
Bà Nhan cho biết, dù đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu nhưng những vướng mắc vẫn chưa được tỉnh và các sở, ngành ở Cà Mau giải quyết thấu đáo. Mới đây nhất, UBND tỉnh có giấy mời công ty của bà Nhan lên làm việc về những vấn đề trên vào ngày 15/5.
Lê Xuân Thọ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN