Hiện nay tại một số phòng khám nhi, bệnh viện nhi thường kết hợp kinh doanh đồ chơi trẻ em, hàng thực phẩm sữa bánh các loại ngay trong khu vực khám chữa bệnh. Việc làm này kéo theo nhiều hệ luỵ gây mất an toàn vệ sinh nơi khám chữa bệnh, an toàn sức khoẻ của trẻ. Đặc biệt là còn nhiều bất cập ở khâu kiểm soát chất lượng các loại hàng hoá...
|
Phòng khám Theo yêu cầu Chất lượng cao Nội - Ngoại nhi (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM) |
Bán đồ chơi bạo lực, không tem phụ ngay trong khuôn viên bệnh viện nhi đồng 2
Gần 11h trưa, tại Phòng khám theo yêu cầu chất lượng cao nội – ngoại nhi (Bệnh viện Nhi đồng 2. Địa chỉ tại số 14 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, TP HCM) tiếng loa gọi tên bệnh nhân liên tục vang lên, nhiều ông bố, bà mẹ tay xách nách mang bế bồng con chen chúc nhau tại quầy nhận sổ, đo chiều cao cân nặng cho trẻ để vào khám bệnh.
|
Gần 11 giờ trưa ngày 19/9, nhiều ông bố bà mẹ bế bồng con, vã mồ hôi chen chúc nhau để đăng ký khám chữa bệnh cho con tại quầy nhận bệnh của Phòng khám theo yêu cầu Chất lượng cao (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM) |
Ngay cạnh khu nhận bệnh là gian hàng tạp hoá bán buôn đủ thứ, từ các loại thực phẩm như bánh kẹo, sữa, bánh bao hấp đến đồ chơi trẻ em các loại... Khu vực này cũng là nơi vui chơi dành cho các bé chờ đến lượt vào thăm khám và lấy kết quả khám bệnh. Cùng với sự ngột ngạt vì đông đức, mệt mỏi vì chờ đợi là tiếng trẻ khóc, la hét đòi mua đồ chơi, bánh kẹo gây ồn ào cả khu.
Chị Đỗ Thị Thuỳ Linh (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) mồ hôi ướt lưng áo, tay bế con nhỏ đang khóc ngặt đòi mẹ mua đồ chơi. Vừa lau mồ hôi, chị Linh bức xúc nói: “Giá như đừng có cái quầy bán đồ chơi ở đây thì tốt biết mấy, bé nhà em đi khám bệnh lần nào cũng đòi mua đồ chơi, nhưng chỉ chơi một lúc là chán”.
|
Quầy hàng bán đồ chơi cho trẻ và thực phẩm các loại ngay trong khu nhận bệnh của Phòng khám theo yêu cầu Chất lượng cao (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM) |
Lắc đầu ngao ngán, anh Trần Văn Thành (ngụ Quận 12, TP HCM) nói: “Đồ chơi đã ập vào mắt trẻ thì trẻ nào cũng thích cũng đòi mua cả. Nhưng tôi thấy hàng hoá ở đây đa số hàng Trung Quốc, có loại không nhãn mác chứ đừng nói tới tem phụ. chất lượng thì miễn bàn, cho con chơi cũng thấy lo”.
Chị Trần Thu Hương (ngụ Long Thành, Đồng Nai) cùng cho con đi khám bệnh tại đây thì cho rằng: Kinh doanh thực phẩm đồ ăn uống trong khu khám chữa bệnh là không nên, vì không an toàn vệ sinh phòng bệnh.
Qua quan sát gian hàng cho thấy, có nhiều đồ chơi cho trẻ như pokemon, doremon, xe ô tô các loại... chủ yếu là hàng xuất xứ Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt, giá bán từ 45.000 đồng đến hơn 100.000đồng/món.
|
Đồ chơi cho trẻ xuất xứ Trung Quốc, không nhãn mác tiếng Việt bán tại quầy hàng trong Phòng khám theo yêu cầu chất lượng cao (BV Nhi đồng 2, TP HCM) |
Đặc biệt, gian hàng trong Phòng khám bệnh chất lượng cao của BV Nhi đồng 2 còn bán cả đồ chơi bạo lực. Khẩu AK-47 nhìn như súng thật, cũng không nhãn mác xuất xứ, có giá 100.000đồng/khẩu; súng bắn dùng pin có phát nhạc 120.000đồng/khẩu.
|
Đồ chơi bạo lực - khẩu súng AK-47 và súng bắn dùng pin phát sáng ... bán tại quầy hàng trong Phòng khám theo yêu cầu chất lượng cao (BV Nhi đồng 2, TP HCM) |
Ngoài ra, khu vực này còn quá bẩn và nhếch nhác, như một kho chứa đồ cũ, những chiếc xe hình thú chạy pin cho trẻ chơi đã bám bụi bẩn lâu ngày không được vệ sinh lau chùi, thùng đựng rác không nắp bốc mùi, rác thải vỏ hộp sữa và ly nhựa đựng nước giải khát vứt bừa bãi...
|
Khu vực quầy hàng và vui chơi của trẻ nhếch nhác |
|
Khu vực quầy hàng và vui chơi của trẻ như một khu chứa đồ cũ |
|
Rất bệnh nhi, thân nhi mệt mỏi chờ đến lượt vào khám bệnh |
Được biết, để có thể kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em ngoài việc phải đăng kí kinh doanh thì mặt hàng này cần được chứng nhận hợp quy và được gắn chứng nhận hợp quy cùng nhiều thủ tục khác về nguồn gốc xuất xứ....
Mới đây, Tri thức và Cuộc sống cũng phản ảnh thực trạng nhếch nhác tại phòng khám đa khoa Sài gòn (địa chỉ tại số 5 Phan Trung, khu phố 2, phường Tân Tiến, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) cũng tồn tại một số vấn đề bất cập như hệ thống PCCC tại phòng khám sơ sài cùng hệ thống điện có dấu hiệu xuống cấp, lộ thiên có thể gây mất an toàn cháy nổ; nhiều nhân viên y tế và bác sĩ trực tiếp tham gia công tác khám chữa bệnh không đeo bảng tên; không niêm yết bảng giá thuốc tại nhà thuốc trong phòng khám; khu vui chơi của trẻ đặt ngay ở cửa phòng khám và cũng là không gian đi lại đông đúc chưa phù hợp; quầy kinh doanh đồ chơi trẻ em, bột trẻ em, yến sào… có dấu hiệu kinh doanh không phép, nguồn gốc xuất xứ hàng hoá không rõ ràng. Thậm chí một số dịch vụ như tiêm vắc xin có dấu hiệu không phép, nhân lực phòng khám chưa đáp ứng đủ khi thường xuyên không có cán bộ nhân viên phòng chụp X-Quang…
Theo đó, ngay khu vực thuộc khuôn viên của phòng khám có quầy kinh doanh đồ chơi trẻ em với nhiều sản phẩm đồ chơi nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, còn bán khẩu trang, bột ăn trẻ em Maltodextrin nhãn hiệu Grall-MD, sản phẩm yến sào Send’s Nest, đồ uống..
Xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật
Luật sư Nguyễn Văn Lập đoàn luật sư TPHCM cho biết, căn cứ vào Quyết định 88/2000/QĐ-BTM ngày 18/1/2000 của Bộ Thương mại, những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ bị cấm.
Cụ thể: Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng (súng nén bằng hơi hoặc bằng lò xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác; súng bắn nước, hơi nước; súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ); Các loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí khác như lựu đạn, bom, mìn, bộc phá; kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ; Các loại pháo: pháo nổ, pháo hoa, pháo đập, đạn đập làm bằng thuốc pháo hoặc bằng các vật liệu khác có thể gây cháy, bỏng; Các loại đồ chơi dưới dạng văn hóa phẩm (ấn phẩm, băng, đĩa), các loại đồ chơi điện tử có hình ảnh, âm thanh, hành động mô tả cảnh đánh nhau, giết người dã man hoặc những hành động xúc phạm nhân phẩm, phá hoại môi trường có hại về thẩm mỹ và giáo dục trẻ em.
|
Đồ chơi trẻ em bạo lực bán công khai, không nguồn gốc xuất xứ, nguy hiểm cho trẻ em về cả sức khoẻ và nhân cách |
Liên quan đến đồ chơi trẻ em, Nghị định 167/2013/NĐ-CP còn quy định, người nào cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm đã bị cấm có thể bị xử phạt từ 500.000-1.000.000đồng. Người kinh doanh buôn bán các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt từ 5.000.000-10.000.000đồng. Bên cạnh đó, Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định, người có hành vi buôn bán hàng cấm còn có thể bị xử phạt từ 500 triệu -100 triệu đồng tùy theo giá trị của hàng cấm đó. Người có hành vi vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
“Thực tế hiện nay, các loại đồ chơi trẻ em bạo lực được bày bán công khai đang là thực trạng báo động, bởi những loại đồ chơi tưởng chừng vô hại, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho trẻ em về cả sức khoẻ và nhân cách. Sử dụng đồ chơi vũ khí bạo lực sẽ khiến tính cách trẻ em ngày càng trở nên hung hăng, bạo lực hơn. Rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng, Quản lý thị trường và đặc biệt là trách nhiệm quản lý giám sát nghiêm minh của chính ban giám đốc bệnh viện” – Luật sư Nguyễn Văn Lập nhấn mạnh.
Với mục đích nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của thân nhi bệnh nhi, tận tình chăm sóc bệnh nhi. Bệnh viện Nhi đồng 2 xây dựng và đầu tư mô hình dịch vụ phòng khám chuyên khoa Nhi chất lượng cao với sự tham gia của các bác sĩ Trưởng/phó khoa và các bác sĩ làm việc lâu năm nhiều kinh nghiệm.
Phòng khám Theo yêu cầu Chất lượng cao hoạt động theo phương thức dịch vụ “một điểm dừng”. Với mô hình này, phụ huynh bệnh nhi được yêu cầu bác sĩ, đăng ký hẹn giờ, được tiếp đón, khám chữa bệnh, xét nghiệm, siêu âm và phát thuốc tại một điểm duy nhất. Ngoài ra, phụ huynh bệnh nhi còn được Dược sĩ hướng dẫn sử dụng thuốc. Bệnh nhi khi đến chữa bệnh tại phòng khám Theo yêu cầu Chất lượng cao sẽ được hưởng dịch vụ khép kín và khi nhập viện sẽ được ưu tiên nằm giường dịch vụ.
(Nguồn: benhviennhi.org.vn)