Cư dân Imperia Garden đòi Viwaco bồi thường 420 triệu đồng vụ nước sạch sông Đà

Việc Ban quản trị chung cư Imperia Garden đòi bồi thường với mức lên đến gần 420 triệu đồng có hợp lý?
Mới đây, Ban quản trị chung cư Imperia Garden đã có công văn đề nghị Công ty Viwaco - đơn vị tiếp nhận nguồn nước mặt sông Đà của Viwasupco bồi thường những tổn thất của cư dân sinh sống tại Khu chung cư do sự cố nước sông Đà nhiễm chất styren vượt quá ngưỡng cho phép trong thời gian qua.
Theo tính toán, các chi phí mà cư dân chung cư Imperia Garden yêu cầu phía Viwaco bồi thường là có tổng số tiền là 419.965.000 đồng gồm phí thuê téc nước, thuê bồn innox chứa nước, chi phí sục rửa đường ống, thau rửa bể ngầm, bể mái…, chứ không chấp nhận mức bồi thường 1 tháng không thu phí nước.
Dư luận đặt câu hỏi, việc Ban quản trị chung cư Imperia Garden đòi bồi thường với mức lên đến gần 420 triệu đồng có hợp lý?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, Ban quản trị chung cư Imperia Garden hoàn toàn có thể đòi bồi thường mức chi phí trên cho những tổn thất mà họ phải bỏ ra sau sự cố nước sạch sông Đà nhiễm hóa chất dầu thải.
Cu dan Imperia Garden doi Viwaco boi thuong 420 trieu dong vu nuoc sach song Da
Chung cư Imperia Garden bị thiệt hại từ sự cố nước sạch sông Đà nhiễm hóa chất từ dầu thải. Ảnh: Zing.vn
“Thứ nhất, thiệt hại thực tế đã xảy ra và Ban quản trị chung cư Imperia Garden hoàn toàn có thể chứng minh được. Hơn nữa chỉ thể của yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bảo đảm. Đó là Ban Quản trị chung cư có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản ngân hàng”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết.
Luật sư Truyền nhìn nhận, việc Ban quản trị chung cư Imperia Garden gửi thông báo trước thể hiện sự thiện chí. “Nếu không thỏa thuận được, họ mới khởi kiện và khả năng thắng kiện là rất cao”, Luật sư Truyền cho hay.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, nguyên tắc bồi thường là phải có lỗi và gây thiệt hại về tài sản hoặc sức khỏe. Mức bồi thường là thiệt hại thực tế phát sinh trên cơ sở các căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật và phụ thuộc một phần vào khả năng bồi thường thiệt hại của người gây thiệt hại.
Bộ Luật dân sự quy định, trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ như phương tiện giao thông, chất độc, hóa chất... gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác mà không có lỗi thì vẫn phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân.
“Người bị thiệt hại và có yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ chứng minh bằng các chứng cứ. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Cường cho rằng, sự cố nguồn nước mặt sông Đà từ Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp cho nhân dân ở địa bàn tây nam TP Hà Nội nhiễm hóa chất dầu thải gây thiệt hại về tài sản là căn cứ để Ban quản trị chung cư Imperia Garden yêu cầu công ty Viwaco – đơn vị bán nước cho họ phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại về tài sản.
Cu dan Imperia Garden doi Viwaco boi thuong 420 trieu dong vu nuoc sach song Da-Hinh-2
Bản liệt kê chi phí tổn hại của cư dân chung cư sau vụ nước nhiễm dầu thải.
 
Luật sư Đặng Văn Cường viện dẫn điều 584, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Cụ thể, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Tại điều 585, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:
Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được Bộ luật dân sự năm 2015 quy định tại điều 589 bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
Từ đó, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng từ sự cố nước nhiễm hóa chất có trong dầu thải có quyền thống kê để yêu cầu công ty cấp nước phải bồi thường đối với những thiệt hại về tài sản bao gồm những tài sản bị mất, bị hư hỏng có nguyên nhân xuất phát sự cố nước nhiễm dầu.
Những chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại và những chi phí khác phát sinh từ việc ảnh hưởng của sự cố đến tài sản của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, những thiệt hại đây phải là những thiệt hại thực tế, có thể chứng minh được bằng chứng cứ.
“Việc bồi thường thiệt hại có thể được thực hiện thông qua thương lượng, đàm phán, hòa giải. Pháp luật khuyến khích bồi thường thỏa đáng, có lợi cho người bị thiệt hại. Trường hợp, hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại… có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo tố tụng dân sự”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Trong trường hợp vụ việc được đưa ra pháp luật giải quyết, những yêu cầu bồi thường thiệt hại phải dựa trên các căn cứ mà bộ luật dân sự quy định và phải có các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại của người có yêu cầu bồi thường.
Theo thông tin về các khoản bồi thường và mức bồi thường nêu trên của chung cư Imperia Garden, phần lớn là có cơ sở để tòa án có thể chấp nhận. Tuy nhiên, để được chấp nhận thì người yêu cầu bồi thường cần xuất trình các tài liệu, chứng cứ chứng minh những thiệt hại trên là thực tế đã xảy ra.
Trường hợp đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không chứng minh được thiệt hại đó đã xảy ra trên thực tế, không chứng minh được mức thiệt hại mà không có sự thỏa thuận thì tòa án cũng sẽ không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại đó.
Mời độc giả xem clip Nước nhiễm dầu thải vẫn cấp cho dân, trách nhiệm thuộc về ai? - Nguồn VTV24:
 
 

Tâm Đức

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN