|
Vào ngày 4/1, ông Abdi Mahamud, một quan chức thuộc Nhóm hỗ trợ quản lý tình hình COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng về biến thể mới IHU. |
|
Theo ông Abdi Mahamud, WHO "đã để mắt tới" IHU. Một tín hiệu tích cực là biến thể này đã không lây lan nhanh. Hiện WHO đang đánh giá IHU và sẽ chỉ xác định đây là "biến thể đáng lo ngại" (VOC) nếu nhận thấy biến thể gây nguy cơ nghiêm trọng. |
|
Biến thể IHU còn có tên gọi B.1.640.2 lần đầu tiên được phát hiện tại Pháp vào tháng 12/2021. |
|
Theo một báo cáo, ít nhất 12 trường hợp nhiễm biến thể IHU được cho là liên quan đến việc đi tới quốc gia châu Phi Cameroon. Các trường hợp này được xác nhận sau khi được các nhà nghiên cứu thuộc Viện Bệnh viện Đại học truyền nhiễm Địa Trung Hải (IHU) phát hiện. |
|
Biến thể IHU có 46 đột biến và 37 đột biến mất đoạn khiến giới chuyên gia quan ngại vì nó có thể kháng các loại vắc xin COVID-19 hiện nay cho dù biến thể này dường như không có khả năng lây lan nhanh như biến thể Delta hay Omicron. |
|
Tiến sỹ Tom Peacock, nhà virus học thuộc Đại học Hoàng gia London, cho biết biến thể IHU xuất hiện trước Omicron. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, biến thể IHU "không đáng lo ngại quá nhiều". |
|
Nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp cũng chỉ ra biến thể IHU mang đột biến N501Y. Đột biến này được ghi nhận đầu tiên ở biến thể Alpha. |
|
Từ đây, các chuyên gia y tế bày tỏ lo lắng đột biến N501Y có thể khiến biến thể IHU dễ lây lan hơn nhưng vẫn chưa thể khẳng định. |
|
Thêm nữa, biến thể IHU còn mang đột biến E484K. Điều này có nghĩa biến chủng mới có thể kháng vắc xin cao hơn. |
|
Nhà dịch tễ học người Mỹ Eric Feigl-Ding lên tiếng cảnh báo về biến thể IHU. Ông cho hay việc các nhà khoa học liên tục phát hiện biến thể mới không có nghĩa chúng nguy hiểm hơn những biến chủng COVID-19 đã biết. |
Mời độc giả xem video: Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan Covid-19. Nguồn: THDT.
Tâm Anh (theo Indy100, CNN)