Có nên tẩy chay TPCN Scurma Fizzy mập mờ, lừa đảo khách hàng?

TPCN Scurma Fizzy quảng cáo thổi phồng như thuốc đặc trị bệnh đau dạ dày, thậm chí "cài" MC Quyền Linh để thuyết phục khách bị "lừa" mua sản phẩm. Vậy, có nên tẩy chay nhãn hàng này?
Thông tin về TPCN Scurma Fizzy của Công ty Elepharma quảng cáo như thuốc đặc trị bệnh đau dạ dày đang gây xôn xao dư luận những ngày qua. Người tiêu dùng càng bức xúc hơn nhãn hàng này “cài” nghệ sĩ Quyền Linh quảng cáo thổi phồng sản phẩm, trong khi thực tế, đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Co nen tay chay TPCN Scurma Fizzy map mo, lua dao khach hang?
Chiến dịch quảng cáo thực phẩm chức năng Scurma Fizz trên facebook khiến dư luận lầm tưởng đây là thuốc đặc trị bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày. 
Hiện, liên quan loạt bài về Công ty Elepharma quảng cáo TPCN Scurma Fizzy như thuốc mà Kiến Thức đưa tin, các nội dung quảng cáo không đúng sự thật và trái quy định pháp luật quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gây nhầm lẫn, lừa dối khách hàng, thì nhiều người tiêu dùng đã gửi phản ánh tới Báo, đề nghị Báo lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ người tiêu dùng, thậm chí tất cả còn đặt vấn đề: nên chăng kêu gọi tẩy chay TPCN Scurma Fizzy quảng cáo như thuốc.
Chị Kim Lý (47 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) bức xúc nói: “Những sản phẩm quảng cáo không rõ ràng, gây hiểu lầm như thế này mọi người nên thận trọng. Mọi người cũng thấy rõ, Công ty đưa TPCN Scurma Fizzy ra thị trường đã có dấu hiệu gian dối thế này thì chắc gì công dụng sản phẩm thực sự có hiệu quả”.
Co nen tay chay TPCN Scurma Fizzy map mo, lua dao khach hang?-Hinh-2
 Scurma Fizzy chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, nhưng vẫn được quảng cáo là thuốc chữa bệnh dạ dày. (Ảnh chụp màn hình).
Anh Đoàn Tuấn (33 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Ban đầu xem ở trên facebook tôi cũng lầm tưởng Scurma Fizzy là thuốc đặc trị dạ dày thật, hóa ra đó chỉ là chiêu quảng cáo để lừa mọi người. Thời buổi kinh doanh hiện nay, thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, những kiểu làm ăn gian dối như thế thì nên “tẩy chay” sớm”.
Tương tự, khách hàng Đỗ Thị Tươi (29 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) thẳng thắn đề xuất: “Tốt nhất là "cạch mặt" TPCN Scurma Fizzy là xong. Chúng ta cần sản phẩm thiết thực, chất lượng và rõ ràng, chứ kiểu lấp lửng thực phẩm chức năng nói là thuốc thế thì loại nhanh”.
Anh Huy Thanh (26 tuổi, TP Vinh, Nghệ An) nhìn nhận: “Tại sao TPCN lại đi quảng cáo lừa người tiêu dùng là thuốc, thậm chí còn sử dụng cả nghệ sĩ Quyền Linh quảng cáo sản phẩm nữa? Làm như thế khác gì lừa người. Một hộp Scurma Fizzy bán đâu có rẻ, lên đến mấy trăm nghìn/hộp, tốt nhất chúng ta chọn sản phẩm khác mà sử dụng”.
Mời quý độc giả xem video: MC Quyền Linh giới thiệu TPCN Scurma Fizzy là thuốc trị bệnh đau dạ dày.

Mô tả video

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp, tổ chức hoạt động quảng cáo, bán các sản phẩm bảo vệ sức khỏe đến người tiêu dùng không đúng quy định của pháp luật. Đối với những thông tin liên quan đến TPCN Scurma Fizzy của Công ty Elepharma, người tiêu dùng cần thận trọng và cân nhắc khi mua sản phẩm này, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là Cục An toàn Thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội sớm vào cuộc làm rõ và chấn chỉnh kịp thời.
Điều 8 Luật Quảng cáo ghi rõ: Nghiêm cấm các hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. Như vậy, việc quảng cáo TPCN Scurma Fizzy gây nhầm lẫn là thuốc cho người tiêu dùng là đã vi phạm Luật quảng cáo.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VP luật sư Tinh thông Luật, Đoàn LS TP HCM cho biết: “Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật quảng cáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đối với cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Kiến Thức tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.
Bảo Ngân

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN