Chuyên gia nói gì về việc nhà xây mới có nên tận dụng móng cũ?

Muốn tận dụng phần móng cũ để xây nhà mới cần xem xét hồ sơ thiết kế móng, biên bản nghiệm thu móng, hình ảnh hiện trạng thực tế quá trình thi công móng có phù hợp với quy mô kết cấu công trình mới hay không.
Nhà tôi hiện có 4 tầng, đã xây được gần 10 năm. Gia đình muốn tháo dỡ toàn bộ nhà hiện tại, để xây lại khoảng 6 tầng. Tôi có nghe một số ý kiến góp ý là không cần phá bỏ lớp móng cũ mà có thể tận dụng ngay hệ móng cũ này để xây nhà mới. Nhờ KTS tư vấn giúp, tôi có nên tận dụng lại phần móng cũ không?
Độc giả Đỗ Thanh (Hưng Yên)
Chuyên gia tư vấn:
Muốn tận dụng phần móng đã có cần thực hiện các bước sau:
Cần xem xét hồ sơ thiết kế móng, biên bản nghiệm thu móng, hình ảnh hiện trạng thực tế quá trình thi công móng có phù hợp với quy mô kết cấu công trình mới hay không.
Mời đơn vị có chuyên môn thẩm định móng, các dữ liệu để kiểm tra móng bao gồm chủng loại móng, kích thước móng, chất lượng bê tông, chất lượng cốt thép, mức độ ảnh hưởng của môi trường đối với móng, khuyết tật của móng, độ chặt, độ ẩm của nền móng, để kết luận móng có đủ điều kiện chịu tải công trình mới hay không.
Chuyen gia noi gi ve viec nha xay moi co nen tan dung mong cu?
ThS. KTS Cao Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây Dựng & đầu tư ACA. (Ảnh: NVCC) 
Kiểm tra kích thước móng: xác định độ sâu, kích thước móng là dữ liệu cơ bản để đánh giá chính xác chất lượng móng, phương pháp tối ưu nhất hiện nay được sử dụng là phương pháp radar xuyên đất, phương pháp cảm ứng điện từ, đây là cách ứng dụng sóng điện từ lan truyền giữa các phân lớp địa chất và thu lại sóng phản xạ điện từ tầng số cao để cho ra dữ liệu kích thước móng, chất lượng móng.
Kiểm tra cường độ của bê tông bằng các khoan lấy mẫu mang đi thí nghiệm để đưa ra kết luận chất lượng của bê tông móng.
Kiểm tra chất lượng cốt thép, kiểm tra đường kính cốt thép, chiều dày lớp bê tông bảo vệ cốt thép, bằng phương pháp siêu âm bằng máy để cho ra được dữ liệu đường kính cốt thép.
Ngoài ra còn có phương pháp kiểm tra chịu tải của móng bằng phương pháp thử tải tĩnh, tuy nhiên phương pháp này tốn kém hơn so với các phương pháp trên.
Từ các dữ liệu trên đưa ra kết luận thẩm định móng. Trường hợp móng đủ điều kiện xây dựng cho tiến hành tính toán thiết kế kết cấu công trình mới trên nền móng cũ. Trong quá trình thi công công trình mới trên nền móng cũ, cần chú ý công tác khoan cấy cốt thép công trình mới vào kết cấu móng cũ phải đảm bảo đúng quy trình.
Trường hợp móng chưa đủ điều kiện, đơn vị thiết kế đưa ra phương án cải tạo gia cố móng để đáp ứng khả năng chịu tải của công trình mới. Các phương pháp cải tạo gia cố móng phổ biến bao gồm:
Gia cố bằng cách bọc bê tông móng, gia cố móng bằng cách mở rộng đáy móng, gia cố móng bằng cách chuyển đổi loại móng (từ móng đơn qua móng băng, từ móng băng sang móng bè ), gia cố móng bằng cọc bê tông đúc sẵn hoặc cọc thi công tại hiện trường, ép cọc xuống nền đất tốt tăng độ chịu tải cho móng cũ.
Trường hợp kết luận móng cũ không đủ điều kiện, chủ nhà nên chuyển sang phương án phá bỏ móng cũ, thi công móng mới để đảm bảo an toàn cho công trình.
ThS. KTS Cao Hoàng Anh
Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây Dựng & đầu tư ACA
Hồng Khanh/Vietnamnet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN