Bệnh nhân cho biết bà bị thoái hóa khớp, hay đau xương khớp nên người quen giới thiệu sử dụng thuốc đông y... Sau một thời gian dùng thuốc, cơ thể nhìn giống như béo tròn hơn nhưng cân nặng vẫn thế. Bệnh nhân đã đi thăm khám, chỉ định xét nghiệm và phát hiện bị suy tuyến thượng thận thứ phát do corticoid.
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, chia sẻ bên lề Hội nghị nâng cao năng lực khám chữa bệnh cơ - xương - khớp vừa diễn ra.
|
Phòng khám Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận điều trị, giải độc thành công cho nhiều trường hợp bị nhiễm độc từ thuốc nam không rõ nguồn gốc.
|
Hiện nay, một số thầy thuốc đông y, chữa bệnh y học cổ truyền mạo danh đã trộn lẫn corticoid vào thuốc để chữa trị, để lại nhiều hệ quả cho người bệnh. Trong đó, điển hình nhất là Hội chứng Cushing.
Đây là bệnh lý nội tiết khá thường gặp trong lâm sàng do lạm dụng corticoid, gây tích tụ mỡ ở những vị trí đặc biệt như ở mặt, hay còn gọi là "mặt tròn như mặt trăng"; ở giữa 2 xương bả vai; tích tụ mỡ trên xương đòn và ở mạc treo ruột gây béo.
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cũng từng tiếp nhận và điều trị cho không ít trường hợp bệnh nhân chữa bệnh xương khớp nhưng lại mắc thêm bệnh do sử dụng quá liều thuốc chứa corticoid hoặc dùng thuốc Đông y trộn lẫn thuốc tây mà không biết.
Theo PGS.TS Đâu Xuân Cảnh, nhiều bệnh nhân bị xương khớp đã lựa chọn đông y điều trị nhưng chưa tìm hiểu kỹ và chữa bệnh theo kiểu “nghe người này, người kia giới thiệu”
Bên cạnh đó với tâm lý “hết đau nghĩa là khỏi bệnh”, người bệnh thường tìm kiếm các sản phẩm giúp giảm đau nhanh. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho thoái hóa khớp ngày càng nặng lên.
Trước đó, Phòng khám Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận điều trị, giải độc thành công cho nhiều trường hợp bị nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc nam không rõ nguồn gốc.
ThS.BS Doãn Uyên Vy, Phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, điển hình như nữ bệnh nhân Nguyễn Thị H. (27 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) phát hiện mình mắc bệnh viêm cột sống dính khớp và được các bác sĩ cho thuốc điều trị.
|
ThS.BS Doãn Uyên Vy, Phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy đang kiểm tra thành phần thuốc từ thuốc người bệnh mang đến. |
Tuy nhiên sau đó, vì nghe lời khuyên của hàng xóm rằng “bị bệnh viêm cột sống dính khớp nên uống thuốc nam sẽ tốt hơn thuốc tây”, chị H. đã chuyển sang uống thuốc nam.
Sau 4 tháng dùng thuốc nam, không những tình trạng bệnh viêm cột sống dính khớp không cải thiện, mà chị H. còn bị tiêu chảy kéo dài, cơ thể bị phù, suy kiệt...
Diễn tiến bệnh càng lúc càng nặng và khi đến khám tầm soát tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ phát hiện chị H. đã bị loét đường ruột rất nặng.
Sau các xét nghiệm, các bác sĩ tại đây chẩn đoán chị H. bị nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc nam. Tình trạng nhiễm độc kim loại nặng này đã để lại một di chứng khá nặng, đó là tình trạng mất protein (mất đạm) qua đường ruột. Vì vậy, bệnh nhân buộc phải truyền albumin, truyền đạm mỗi ngày. Thời gian điều trị kéo dài nhiều năm.
Hoặc những ca bị bệnh lý về suy gan cấp, gan to, ứ mật gây vàng da vàng mắt, da nổi sần sùi, sạm da, hay có ca bệnh bị tiêu chảy kéo dài gây viêm ruột mạn tính, làm mất đạm qua ruột.
Những ca nặng hơn, tổn thương nhiều cơ quan khác nhau cùng lúc, chẳng hạn bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy tim cấp, cơ tim giảm động, suy thận cấp, viêm gan cấp tính, lơ mơ, hôn mê và những tình huống ảnh hưởng quá nặng trên tim, hệ hô hấp, có thể tử vong.
Theo ThS.BS Doãn Uyên Vy, sau khi loại trừ các bệnh lý nội khoa thường gặp, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân: Những bệnh nhân này đều có sử dụng thuốc Đông y kéo dài với mục đích tăng cường sinh lý, bồi bổ sức khỏe, điều trị đau khớp hoặc ngăn ngừa đột quỵ…
Theo ThS.BS Doãn Uyên Vy, trong 20 năm nay, nhiều bằng chứng của y văn thế giới ghi nhận thuốc Đông y có chứa các kim loại nặng và gây bệnh nhiễm độc nếu sử dụng thuốc kéo dài.
Trong các sách Đông y có những vị thuốc như hùng hoàng, chu sa dùng điều trị nhiều loại bệnh ngoài da, viêm nhiễm, sốt rét, an thần, chống co giật, mất ngủ, giang mai, trẻ con khóc đêm…
Những vị thuốc này có nguồn gốc từ những cục đá, khoáng chất chứa thạch tín và thủy ngân. Bên cạnh đó, thuốc đông y không rõ nguồn gốc còn có thể trộn lẫn với các loại tân dược như corticoid. Do đó, người bệnh sử dụng những loại thuốc Đông y này lâu dài sẽ có nguy cơ bị nhiễm độc hoặc chịu những biến chứng nặng.
Các chuyên gia khuyến cáo, thuốc Tây y hay thuốc Đông y đều có những độc dược dùng để trị bệnh. Do vậy khi sử dụng, người bệnh phải dùng đúng liều lượng cho phép, sử dụng trong thời gian rất ngắn và phải theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân tùy tiện sử dụng và sử dụng trong thời gian kéo dài sẽ dễ dẫn đến tình trạng tích tụ dần các chất độc, làm tổn thương các mô, cơ quan, hoặc gặp các tác dụng phụ của thuốc ở mức độ từ trung bình đến nặng.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc Tây y lâu dài và gặp tác dụng phụ. Chẳng hạn, có trường hợp bệnh nhân uống thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol 500 mg, 2 viên/ngày, nhưng sử dụng liên tục trong 5 tháng. Sau đó bệnh nhân xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu, dễ bầm máu ở da, chảy máu chân răng khi đánh răng.