Chiêu trò lừa tiền người vay bằng phương thức ủy quyền online

Mọi “thủ tục vay vốn” đều  diễn ra suôn sẻ cho đến lúc giải ngân, các đối tượng trách “khách hàng” điền sai thông tin nên không thể nhận được tiền vay, rồi bắt đầu giăng bẫy, nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Thời gian gần đây, rộ lên chiêu thức lừa đảo mới của các đối tượng mạo danh ngân hàng, công ty tài chính,… cho vay với lãi suất thấp nhằm chiếm đoạt tiền của những người đang có nhu cầu vay vốn.
Để “dụ con mồi”, các đối tượng lập fanpage và cho chạy quảng cáo đối với những bài viết có sử dụng hình ảnh của các ngân hàng, tổ chức tài chính. Đáng chú ý, thông tin của các ngân hàng, tổ chức tài chính trong những bài đăng này đều giống với “hàng thật”.
Tuy nhiên, khi “khách hàng” click vào những mẩu quảng cáo đó, sẽ được “đưa tới” một fanpage khác mà chỉ cần nhìn sơ qua, là phát hiện không có “ăn nhập” gì với fanpage của ngân hàng, tổ chức tài chính.
Ngay lập tức, “khách hàng” sẽ nhận được tin nhắn của “chuyên viên”, “tư vấn viên”, “nhân viên ngân hàng” với những câu hỏi như muốn vay bao nhiêu, trong thời gian bao nhiêu. Sau khi “khách hàng” báo số tiền vay, thời gian vay, sẽ được những “nhân viên” này cho biết trong trường hợp đó, sẽ trả nợ mỗi tháng bao nhiêu, bao gồm lãi và một phần gốc.
Chieu tro lua tien nguoi vay bang phuong thuc uy quyen online
 Fanpage mạo danh Ngân hàng TP Bank. Ảnh chụp màn hình.
Thâm nhập
Trong vai người vay tiền, phóng viên (PV) đã tương tác với một fanpage mạo danh MB Bank. Khi chọn khoản vay 100 triệu đồng, trả trong thời gian 48 tháng, được “nhân viên” cho biết với khoản vay này, mỗi tháng PV phải trả 3.083.333 đồng tiền lãi và một phần gốc. Nếu PV đồng ý, thì sẽ làm hồ sơ.
Khi PV đồng ý, “nhân viên” này nhắn cho PV một đường link, khi bấm vào thì truy cập đến webstie có tên miền Virginapp1.online và bảo truy cập vào đây để làm thủ tục online, sẽ được hướng dẫn tận tình. Đáng nói, các đối tượng để mọi việc diễn ra từ tốn, không vội vàng như cách hình thức cũ.
Khi truy cập vào trang Virginapp1.online, hiện ra giao diện khá chuyên nghiệp, PV được hướng dẫn tạo tài khoản. Tài khoản này, theo “nhân viên” là dùng để mở Ví tiền, đăng ký và theo dõi các khoản vay.
Đăng ký xong, “nhân viên” yêu cầu PV đợi trong ít nhất vài chục phút để được xét duyệt hồ sơ. Tầm 45 phút sau, PV được “nhân viên” nhắn yêu cầu truy cập vào website đăng ký ở trên. Khi thực hiện đăng nhập, một giao diện mới xuất hiện, có thông tin tài khoản, số tiền đã vay và một vài tùy chọn khác. Đáng chú ý, dưới chân trang web này, có hai biểu tượng “đã đăng ký” và “đã thông báo” với Bộ Công thương nhằm tăng độ tin cậy cho “khách hàng”.
Chieu tro lua tien nguoi vay bang phuong thuc uy quyen online-Hinh-2
 Giao diện trang web tạo tài khoản vay, ví tiền, hồ sơ...
Ở giao diện này, có hai nút là Ví tiền và Hồ sơ. Khi bấm vào nút Ví tiền, PV sẽ thấy được khoản vay của mình đã thành công. “Tiền khi được giải ngân sẽ về ví này, sau đó mình mới rút về tài khoản ngân hàng mà mình đã nhập khi đăng ký”, “nhân viên” giải thích.
Sau khi được thông báo khoản vay đã được duyệt và giải ngân thành công, PV thực hiện lệnh rút tiền từ Ví tiền về tài khoản ngân hàng lúc đăng ký thì bị báo lỗi.
Khi được PV hỏi, “nhân viên” này yêu cầu PV bấm vào nút Hồ sơ để xem lại thông tin cá nhân lúc đăng ký. Khi PV chắc chắn là mọi thông tin đều đúng, thì “nhân viên” này hỏi lại “khi đăng ký, chỗ địa chỉ, anh điền địa chỉ đang ở hay trên CCCD?”.
Khi được PV trả lời là điền địa chỉ nơi đang ở, thì “nhân viên” tỏ thái độ nóng nảy: “Địa chỉ anh phải điền theo như trên CCCD chứ anh ghi vậy là không được đâu. Trời ạ, anh vay 100 triệu chứ có ít đâu mà lại như thế”.
“Vậy phải xử lý như thế nào?”, PV hỏi. “Nhân viên” này cho biết mình không thể xử lý, mà phải “hỏi sếp”. Tầm 30 phút sau, “nhân viên” này gửi cho PV hình một văn bản, trong đó có 2 phương án mà PV có thể chọn để được xử lí lỗi và nhận tiền vay.
Phương án 1, là đến trụ sở công ty này; phương án 2 là ủy quyền online. Hòng tạo niềm tin cho “khách hàng”, văn bản này nhấn mạnh “ngân hàng không lấy bất kỳ chi phí nào, chỉ là hỗ trợ cho khách hàng”.
Tuy nhiên, tại phần lưu ý, nếu “khách hàng chọn phương án 1, thì chỉ có hiệu lực trong vòng 24h kể từ lúc nhận được văn bản này. Còn chọn phương án 2, thì chỉ có 60 phút để ủy quyền online.
Chieu tro lua tien nguoi vay bang phuong thuc uy quyen online-Hinh-3
Hợp đồng vay vốn của PV (bên trái) và Điều khoản chỉnh sửa thông tin khách hàng (bên phải). Ảnh chụp màn hình. 
Đe dọa "khách hàng"
Đây là chiêu trò của các đối tượng này, vì chúng dựa vào địa chỉ mà “khách hàng” cung cấp để điều chỉnh thời gian có hiệu lực là 48h, 24h hay ít hơn nếu chọn phương án 1. Mục đích là để điều hướng “khách hàng” chọn phương án 2. Trước đó, các đối tượng tìm mọi cách để làm sai lệch thông tin của "khách hàng" để đổ lỗi, khiến "khách hàng" không thể rút tiền từ Ví tiền về số tài khoản.
Khi “khách hàng” chọn phương án 2, các đối tượng mặc dù nói ngân hàng không thu phí, nhưng lấy lí do là “ủy quyền online” nên “khách hàng” cần phải đóng một khoản phí đảm bảo. Như đối với gói vay 100 triệu đồng mà PV đăng ký, phí đảm bảo là 30 triệu đồng. “Khi xử lý xong, anh sẽ nhận được số tiền vay, cùng với số tiền đảm bảo này”, các đối tượng dụ dỗ. Nhưng trên thực tế, khi “khách hàng” chuyển số tiền đảm bảo này, sẽ bị “đứt liên lạc” với các đối tượng này ngay lập tức.
Lấy lí do số tài khoản nhận tiền đảm bảo của PV là cá nhân chứ không phải công ty, nên PV không chuyển. “Nhân viên” liền nói số tiền 100 triệu đồng mà bên em đã giải ngân cho anh đã chính thức có trên hệ thống rồi.
Khi PV vẫn tiếp tục từ chối, “nhân viên” này bèn nhắn: “Tầm 4-5 ngày nữa, anh ở nhà lo đủ số tiền 100 triệu và phí đi lại, ăn ở của bên thu hồi công nợ về nhà anh tất toán khoản vay cho bên anh. Lúc đó em cũng hết trách nhiệm”. Kèm theo đó là hình ảnh một số người xăm trổ, bặm trợn, mặt áo có dòng chữ “thu hồi nợ”. 
Chieu tro lua tien nguoi vay bang phuong thuc uy quyen online-Hinh-4
 Không dụ được "khách hàng" chuyển tiền, các đối tượng quay sang đe dọa bằng những nội dung và hình ảnh trên.
Đáng nói, trong suốt quá trình “tư vấn”, “làm hồ sơ” và “đe đọa”, những “nhân viên” này chỉ sử dụng ứng dụng nhắn tin của facebook mà không dùng phương thức liên lạc nào khác. Còn số tài khoản nhận tiền trả lãi vay và gốc hay đảm bảo của “khách hàng”, đều là số tài khoản cá nhân.
Khi PV thực hiện “vay vốn” tại “ngân hàng” khác như “TP Bank”, nhóm đối tượng cũng sử dụng các chiêu thức trên. Khi PV không chịu đóng tiền đảm bảo để “ủy quyền online”, thì bị các đối tượng đe dọa.
Đáng chú, vào thời điểm gửi đường link ban đầu cho PV, dù có tên khác nhau, nhưng khi bấm vào, đều truy cập đến trang web có tên miền Virginapp1.online; còn đường link ban đầu đó âm thầm biến mất.
Ngân hàng liên tục cảnh báo
Trong thời gian qua, các ngân hàng, tổ chức tín dụng không ngừng cảnh báo các hình thức lừa đảo này. Các ngân hàng cho biết, kẻ gian mạo danh bằng cách sử dụng tên gọi, logo, hình ảnh đại diện; giả mạo con dấu và chữ ký; giả mạo các yếu tố xác thực (dấu tích xanh/cam,…) trên tài khoản mạng xã hội giống của ngân hàng để gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Sau đó kẻ gian thực hiện các hành vi lừa đảo như: Gửi tin nhắn/gọi điện từ các số điện thoại lạ chào mời khách hàng vay tiền với lãi suất hấp dẫn; Yêu cầu khách hàng cung cấp CCCD/CMND, sổ hộ khẩu, số tài khoản/số thẻ ngân hàng/mã CVV,… để lập hồ sơ vay, nâng hạng hoặc nâng hạn mức thẻ tín dụng; Yêu cầu khách hàng nộp các khoản phí làm hồ sơ, phí ứng trước khoản vay, phí kích hoạt tài khoản/khoản vay vào một tài khoản cá nhân nào đó; Chặn số điện thoại để khách hàng không liên lạc được.
“Trong mọi trường hợp, TPBank không yêu cầu khách hàng chuyển khoản/nộp tiền mặt để thu các loại phí như phí mở hồ sơ vay vốn, phí kích hoạt tài khoản, phí xác minh tài khoản hoặc khoản vay, phí điều chỉnh số tài khoản sai, v.v cho bất cứ cá nhân nào kể cả nhân viên TPBank. Do vậy, nếu khách hàng nhận được yêu cầu này, vui lòng tuyệt đối không làm theo yêu cầu của kẻ gian”, đại diện truyền thông TPBank nhấn mạnh.
Đây cũng là yêu cầu chung của nhiều ngân hàng khác. Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng chỉ thao tác trên ứng dụng “chính chủ”, thông qua các hình thức xác minh danh tính đã đăng ký từ trước,…
Chieu tro lua tien nguoi vay bang phuong thuc uy quyen online-Hinh-5
Các điều khoản thay đổi, đính chính thông tin mà "khách hàng" của các đối tượng mạo danh gửi cho ông Lê Văn Hoa, Giám đốc Công ty Virgin Việt Nam. 

Công ty bị mạo danh cũng đau đầu

Không chỉ mạo danh các ngân hàng hàng, tổ chức tài chính, một số công ty cũng đang đau đầu vì các đối tượng mạo danh.

Ông Lê Văn Hoan, Giám đốc Công ty TNHH Virgin Việt Nam, cho biết thời gian qua công ty ông liên tục bị kẻ xấu mạo danh để lừa đảo bằng hình thức trên. “Có một số người gọi cho tôi để xác nhận trước khi chuyển tiền cho kẻ xấu, nhờ vậy mà mới không bị lừa và chúng tôi mới biết công ty đang bị mạo danh”, ông Hoan cho biết.

Cũng theo ông Hoan, ngành nghề hoạt động của công ty ông không có lĩnh vực tài chính. Có thể kẻ gian nhắm vào vì công ty ông gần giống với Công ty Virgin Money bên nước Anh. Sau đó, ông Hoan đã báo cáo sự việc cho công an.

Còn hình ảnh mà ông Hoan cung cấp, giống với cái cách mà các đối tượng đã “giăng ra” đối với PV.

Lê Xuân Thọ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN