Bộ Y tế nói về lý do không thể xài hơn 800 tỉ đồng

Trong tổng số 272 dự án được đề xuất, Bộ Y tế chỉ chọn được 144 dự án đảm bảo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn của Nghị quyết 43.

Đề xuất của Chính phủ chuyển hơn 930 tỉ đồng đầu tư còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm sang cho ba dự án giao thông đang rất được dư luận quan tâm. Nhất là trong bối cảnh ngành y tế đang cần được đầu tư, quan tâm và phát triển.

Bo Y te noi ve ly do khong the xai hon 800 ti dong-Hinh-2
Phòng khám bệnh đa khoa BV Bạch Mai Cơ sở 2 ở Hà Nam hoạt động được một năm thì tạm dừng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do về nhân lực, trang thiết bị y tế. Ảnh: TM 

Loại 128 dự án vì không đúng tiêu chí của nghị quyết

Ngày 31-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), thông tin về việc “không tiêu được” số tiền 802 tỉ đồng này.

Theo ông Long, Nghị quyết 43/2022 về chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mức vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế là 14.000 tỉ đồng. Nội dung đầu tư phải đúng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ và chỉ giải ngân trong giai đoạn 2022-2023.

Bộ Y tế đã xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, các điều kiện lựa chọn dự án theo đúng hai nghị quyết trên và đã có 10 văn bản gửi các bộ, ngành liên quan, cùng UBND các tỉnh, TP, yêu cầu các đơn vị, địa phương căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn, rà soát đăng ký danh mục dự án.

Kết quả có 272 dự án đăng ký với tổng vốn khoảng 59.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Y tế giảm còn 144 dự án đảm bảo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn của Nghị quyết 43 với tổng vốn 13.198 tỉ đồng, còn thừa 802 tỉ đồng.

Trước đó, Bộ Y tế đã thành lập tổ công tác, rà soát, hoàn thiện phân bổ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm tổ trưởng. Sau đợt rà soát, Bộ Y tế đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo, lựa chọn và đề xuất 144 dự án của 59 tỉnh, thành, của Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

“Bộ Y tế rà soát kỹ, chỉ lựa chọn những dự án đạt các tiêu chí theo quy định. Đặc biệt, vốn này phải bám sát Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11, đó là dùng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị COVID-19. Số tiền này không thể chi tiêu cho các mục đích khác” - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính nhấn mạnh.

Bộ Y tế rà soát kỹ, chỉ lựa chọn những dự án đạt các tiêu chí theo Nghị quyết 43 nên không thể sử dụng hết số vốn đã được duyệt.

Vẫn tiếp tục đầu tư cho y tế

Nêu quan điểm về việc chuyển số vốn trên sang lĩnh vực khác, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, cho rằng lĩnh vực nào cũng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề cấp thiết nhất lúc này là lĩnh vực y tế.

“Tôi chưa nói về việc chi thường xuyên cho con người mà đang nói đến vấn đề chi đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Hơn 900 tỉ đầu tư vào bệnh viện là con số rất nhỏ. Nhưng rõ ràng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, khi có số tiền đó để mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng thì quá là may mắn” - ông Cơ nói.

Ông Cơ cho rằng ngành y đang rất khó, rất khổ, thiếu quá nhiều, từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị y tế… nên cần tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này.

Trước đó, tại phiên họp bất thường tháng 8, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án bố trí 932 tỉ đồng còn dư của các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm.

Tại phiên họp, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đều cho rằng Chính phủ đề xuất chuyển nguồn vốn dư này sang các dự án giao thông là không phù hợp và đề nghị tiếp tục rà soát để báo cáo bổ sung dự án cho ngành y.

Nhiều đại biểu cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ và ngành y tế rà soát, ưu tiên đầu tư vốn mua sắm trang thiết bị cho BV Bạch Mai Cơ sở 2 và BV Việt Đức Cơ sở 2 tại Hà Nam, bởi hai dự án này đã xây xong nhưng chưa có thiết bị để đưa vào sử dụng.

Gút vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đối với 932 tỉ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm, tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ dự án thuộc lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, không chuyển từ chỗ này sang chỗ kia.•


Bố trí tối đa 14.000 tỉ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị COVID-19.

(Theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội)

Như Loan/ PLO

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN