Việc thực hiện quyết định tăng giá điện là đúng quy định - Ảnh: EVN
Theo Bộ Công thương, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo các văn bản như Luật điện lực, quyết định số 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện; quyết định 34 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Ngoài ra là thông báo số 19/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 29-1-2019 về phương án điều chỉnh giá điện năm 2019.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ kết luận chủ trương điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2019 theo phương án tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và yêu cầu Bộ Công thương lựa chọn thời điểm thích hợp trong khoảng từ ngày15-3 đến ngày 30-3-2019 để thực hiện việc điều chỉnh.
Hay thông báo số 38/TB-VPCP, ngày 19-3-2019, Bộ Công thương có văn bản số 212/BCT-ĐTĐL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019.
Do vậy Bộ Công thương cho biết thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đã ban hành quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20-3-2019 về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.
Việc sử dụng biểu giá điện lũy tiến theo Bộ Công thương cũng là để khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và thực hiện an sinh xã hội, vốn là phương pháp được nhiều áp dụng. Mức giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam so với 8 nước Đông Nam Á bằng 66%, và bằng 37% của Campuchia và 78% giá điện của Lào.
Liên quan đến kiểm tra thực hiện quyết định 648, qua kiểm tra về công tác niêm yết, công khai giá điện mới, chốt chỉ số công tơ, tính tiền điện, áp giá bán lẻ, Bộ Công thương cho hay các đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của EVN.
Với các phản hồi, kiến nghị của khách hàng, bộ cho biết theo thống kê của EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ ngày 20-3 đến ngày 4-5, toàn tập đoàn tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện.
Trong đó có 14.541 kiến nghị của khách hàng, chiếm tỉ lệ gần 20%, thắc mắc về chỉ số côngtơ điện, hoá đơn tiền điện. Các thắc mắc của khách hàng đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hải lòng, đồng ý với kết quả giải quyết.
Số liệu thống kê cũng cho thấy tại Hà Nội và TP.HCM, mặc dù sản lượng điện và số lượng khách hàng sử dụng điện ở bậc thang cao (trên 200 kWh/tháng) cao hơn bình quân cả nước và hóa đơn tiền điện cao hơn, nhưng số lượng kiến nghị về chỉ số, hóa đơn ít hơn nhiều so với các khách hàng ở các tỉnh, thành phố còn lại.
Theo Bộ Công thương, số lượng các khách hàng có địa chỉ cụ thể thắc mắc trên các phương tiện thông tin đại chúng không nhiều, và đều đã được giải đáp đầy đủ.
Cũng trong báo cáo này, Bộ Công Thương cho biết sau khi kiểm tra thực hiện Quyết định 648 về điều chỉnh giá bán lẻ điện tại các đơn vị điện lực, cho thấy đều đúng quy định. Số lượng các khách hàng kiến nghị liên quan đến hóa đơn tiền điện không nhiều và đã được giải đáp thỏa đáng.
Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc điều chỉnh giả điện.
Đồng thời, phản ánh chính xác, khách quan, không đưa thông tin trái chiều về giá điện. Có biện pháp chân chỉnh hoặc xứ lý những cá nhân cô tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội.