Bé 9 tháng tuổi tử vong sau tiêm ComBE Five

Bé K.B. (Nghệ An) tử vong sau tiêm ComBE Five 1 ngày, do cấp cứu muộn. BS Nguyễn Văn Thành, Trung tâm tiêm chủng và Tư vấn Dinh dưỡng, Đại học Y HN cảnh báo những phản ứng sau tiêm và cách xử trí.
Sáng 12/7, ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, sở đã lập đoàn công tác, đồng thời báo cáo và đề nghị Bộ Y tế phối hợp làm rõ nguyên nhân tử vong sau tiêm vắc xin ComBE FIVE của một cháu bé 9 tháng tuổi, ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ.
Theo thông tin ban đầu, sáng 10/7, cháu Nguyễn Ngọc K.B. được người thân đưa đến Trạm Y tế xã tiêm phòng vắc xin ComBE Five mũi 2 và uống vắc xin phòng chống bệnh bại liệt.
Sau khi tiêm, sức khỏe của cháu vẫn bình thường. Đến tối cùng ngày, cháu bất ngờ bị sốt cao đến 38,5 độ. Nghĩ con bị sốt sau khi tiêm là bình thường nên bố mẹ cháu cho uống lá diếp cá, dán băng hạ sốt.
Sáng 11/7, cháu vẫn bú sữa mẹ bình thường. Sau đó, khi mẹ cháu đi vệ sinh quay trở vào thì thấy người cháu B. tím tái và co giật. Ngay lập tức, gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ cấp cứu, nhưng cháu đã tử vong.
Be 9 thang tuoi tu vong sau tiem ComBE Five, nguyen nhan va cach xu tri?
Vắc xin ComBE FIVE 5 trong 1
Phản ứng và biến chứng nặng sau tiêm chủng
BS Nguyễn Văn Thành, Trung tâm tiêm chủng và Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Y học Dự phòng và Y tế Công cộng, Đại học Y Hà Nội, cho biết phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng bất thường về sức khỏe bao gồm các biểu hiện tại chỗ tiêm chủng hoặc toàn thân xảy ra sau tiêm chủng bao gồm phản ứng thông thường sau tiêm chủng và tai biến nặng sau tiêm chủng.
Phản ứng thông thường sau tiêm chủng bao gồm các phản ứng tại chỗ như ngứa, đau, sưng và/hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân bao gồm sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) có thể là một phần của đáp ứng miễn dịch bình thường. Các phản ứng này thông thường là nhẹ và tự khỏi.
Tai biến nặng sau tiêm chủng là phản ứng bất thường sau tiêm chủng có thể đe dọa đến tính mạng người được tiêm chủng (bao gồm các triệu chứng như khó thở, sốc phản vệ hay sốc dạng phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, sốt cao co giật, trẻ khóc kéo dài, tím tái, ngừng thở) hoặc để lại di chứng hoặc làm người được tiêm chủng tử vong.
Hướng xử trí:
Đối với các phản ứng thông thường:
- Sốt: nếu sốt dưới 38.5, cha mẹ nên cho trẻ mặc thoáng mát, chườm ấm chủ yếu ở các vị trí trán, nách, bẹn, cho trẻ bú nhiều hơn; sốt trên 38.5: dùng thuốc hạ sốt paracetamol liều 10-15mg/kg cho trẻ uống hoặc nhét hậu mô, nhắc lại 4 -6 giờ nếu vẫn sốt trên 38.5.
- Sưng đau tại chỗ tiêm: hạn chế sờ vào, không chườm đắp gì lên vết tiêm, có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sỹ.
- Đau khớp kể cả khớp nhỏ ngoại vi dai dẳng (trên 10 ngày) hoặc thoáng qua (tối đa 10 ngày). Có thể tự khỏi, một số trường hợp cần dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sỹ.
Đối với các phản ứng nặng:
Những phản ứng nguy hiểm thường chỉ xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm nên phụ huynh cần lưu lại thêm 30 phút tại điểm tiêm chủng để được theo dõi và xử lý kịp thời nếu trẻ xuất hiện tình trạng: nổi ban, mề đay, sưng môi, phù mắt, khó thở, mất tri giác.
Sau thời gian 30 phút, phụ huynh cần theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ. Trong thời gian này trẻ sẽ gặp những phản ứng thông thường: đau nơi tiêm, quấy khóc, biếng ăn, nổi ban, sốt nhẹ.
Các phản ứng nặng rất hiếm gặp cần được can thiệp y tế gồm: sốt cao trên 39 độ C, khóc thét kéo dài, tím tái, khó thở, co gồng và các biểu hiện bất thường khác. Trong trường hợp này, trẻ cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được chăm sóc.
An Lê

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN