Người dân ở đây cho rằng vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm, độ ẩm không khí cao và hướng gió chủ đạo là hướng Tây-Tây Nam khiến mùi hôi phát sinh có nồng độ đậm đặc hơn, nhất là trong thời gian từ 4-5 giờ, 9-10 giờ và 16-19 giờ hằng ngày. Câu chuyện này tái diễn nhiều năm gần đây, nhưng có vẻ mọi việc chưa được giải quyết...
Mùi hôi thối rất kinh khủng!
Anh Tùng, một cư dân Phú Mỹ Hưng, cho biết 10h sáng 26-6, cán bộ của Phòng Kiểm tra cơ động, Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố, Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM đã đến tận khu chung cư và vào căn hộ của anh để khảo sát, ghi nhận ý kiến.
Anh Phan Thanh Liên ở cùng chung cư này cũng cho biết có buổi sáng sớm 4-5h anh dậy mở cửa thì một mùi thối và cay xộc vào mũi không thở được... "Ngửi mùi hôi thối như thế, có lẽ bệnh tật của những người sống ở đây cũng là từ đó mà ra chứ đâu", anh Liên than thở.
Cùng thời gian này, chung cư Riviera Point ở đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Phú, quận 7, hay chung cư Đức Khải, đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7… cũng phải chịu đựng chung mùi hôi đó. Anh Dương Tiến Dũng ở chung cư Đức Khải cho biết: "Cứ chiều tối mà cơn mưa nhỏ hay lớn thì mùi hôi thối rất kinh khủng, ngang với mùi phân vậy".
Anh Hùng Vũ là cư dân chung cư Era Town, đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7 cho biết: "Mùi hôi này đã tồn tại mấy năm này bay từ ba khu xử lý chất thải Sài Gòn Xanh, Công ty Hòa Bình, khu liên hợp xử lý rác Đa Phước qua đây (nhiều người chỉ nghe chung chung là bãi rác Đa Phước, nhưng thực tế ở đây có ba doanh nghiệp là Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam - VWS (xử lý chất thải rắn sinh hoạt), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (xử lý bùn thải cống rãnh) và Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình (xử lý phân hầm cầu bể phốt). Mùa này khi trời mưa hướng gió Tây Nam là thối kinh khủng…".
Thực tế theo ghi nhận của phóng viên, các khu dân cư dọc đường Nguyễn Văn Linh huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè kéo dài lên đến tận đường Nguyễn Lương Bằng, khu Phú Mỹ Hưng quận 7 trong vòng bán kính 10km đều xuất hiện mùi hôi khó chịu. Nhất là mỗi khi trời vừa mưa xong hay cơn gió thổi qua.
|
Một góc xử lý chất thải rắn sinh hoạt có diện tích lớn nhất và "nổi tiếng" nhiều nhất.
|
Bức xúc và phải chịu đựng trước tình trạng này kéo dài nhiều năm nay, các nhóm dân cư nhiều người dân tại các khu dân cư như: Happy Vallay, Chateau, Riviera Point, Lacasa, Mỹ Thái 2, Cảnh Viên, Era Town, Bellaza... (quận 7); Phú Hoàng Anh, Hoàng Anh An Tiến, Hoàng Anh Gia Lai, Silver Star - Hưng Phát... (Nhà Bè) cùng các khu dân cư Trung Sơn, hạnh Phúc ở Bình Chánh, quận 8... đều cùng nhau lên tiếng phản đối mạnh mẽ về tình trạng mùi hôi này. Qua đó, cũng mong muốn chính quyền TP HCM sớm có giải pháp để trả lại bầu không khí trong lành cho người dân nơi đây.
Anh Phạm Hoàng, cư dân tại xã Đa Phước, cho hay nhiều năm nay theo quy hoạch, bao quanh bãi rác phải có vành đai cây xanh cách ly. Nhưng thực tế cho đến nay vành đai này vẫn chưa có. "Nhiều người dân nói với tôi là có lẽ khi bãi rác này đóng cửa cũng chưa có vành đai cây xanh. Chưa kể, ở khu vực của chúng tôi, xe chở rác là nỗi ám ảnh với cư dân Đa Phước. Lý do là vì xe chở rác chạy rất nhanh và ẩu, đã có nhiều vụ tai nạn do xe chở rác gây ra", anh Hoàng nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng ngày, xe chở rác của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố và các Công ty TNHH Dịch vụ công ích quận, huyện,... vẫn chở rác thải sinh hoạt từ khắp nơi trong thành phố lưu thông vào quốc lộ 50 về bãi rác Đa Phước. Ngoài ra, còn có hàng trăm xe tải chở bùn thải, bùn hầm cầu,... về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước xử lý.
|
Ngã ba Quốc lộ 50 đi vào khu xử lý chất thải Đa Phước, hàng ngày có rất nhiều xe chở rác và chở chất thải qua lại.
|
Bao giờ dân hết khổ vì mùi hôi thối?
Trước tình trạng phải sống trong cảnh ngửi mùi hôi thối triền miên, người dân vực phía Nam Sài Gòn đã có đơn gửi ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) TP HCM và ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM, trong đó đặt câu hỏi: Công nghệ chôn lấp rác đã quá lạc hậu và gây ô nhiễm, tại sao Sở TNMT không thực hiện việc đấu thầu, triển khai những công nghệ xử lý rác mới, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cho sức khỏe nhân dân?
Đồng thời, cư dân cũng bày tỏ sự lo lắng về nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh từ bãi rác Đa Phước, nhất là từ nước rỉ từ rác thải đang hàng ngày thoát ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm…
"Tại sao nhân dân đã kêu cứu suốt 5 năm nay, báo chí truyền hình liên tục đăng tải thông tin, lãnh đạo Nhà nước đã chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm nhưng cho đến nay bãi rác Đa Phước vẫn tồn tại và phát tán mùi hôi thối, nguy cơ gây bệnh nhiều hơn?...", nội dung đơn đặt câu hỏi.
Về việc xử lý những sai phạm từ bãi rác Đa Phước, từ năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đơn tố cáo của công dân, chỉ ra nhiều sai phạm liên quan tới việc xử lý rác tại Bãi rác Đa Phước. Theo đó, dự án gây ô nhiễm môi trường và sử dụng công nghệ làm phân nhưng thực tế đem chôn, không phân loại tái chế.
|
Bùn cống rãnh của Công ty Sài Gòn Xanh đã được xử lý, phơi khô… nhưng không che đậy, tạo mùi hôi.
|
Trước đó, tháng 6-2017, Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty VWS số tiền kỷ lục trong lĩnh vực môi trường là hơn 1,5 tỷ đồng về 5 vi phạm như: Không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; không thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại hồ chứa nước rỉ rác tập trung theo cam kết mà lưu giữ nước rỉ rác tại ô chôn lấp; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000m³/ ngày đến dưới 1.200m³/ ngày; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thời lượng nước thải từ 2.000m³/ ngày đến dưới 2.500m³/ ngày.
Và cũng thời điểm đó, để tiếp tục giám sát và khống chế hiệu quả mùi hôi trong mùa mưa, Sở TNMT cũng đã tổ chức họp với Công ty VWS để trao đổi cụ thể về hiệu quả các biện pháp công ty này đang triển khai và các nội dung cần tập trung thực hiện để tăng cường khống chế mùi hôi.
Các biện pháp có thể kể như tăng cường sử dụng thiết bị phun xịt chế phẩm khử mùi, diệt côn trùng có hiệu suất cao hơn; tăng cường nồng độ chế phẩm khử mùi để phun xịt trong khoảng thời gian trước khi bắt đầu mùa mưa (thời điểm người dân phản ánh mùi hôi nhiều nhất) và trong các khoảng thời gian người dân phản ánh mùi hôi nhiều nhất (khoảng 16 - 19h, khoảng 24 - 1h, khoảng 5 - 6h); xem xét, đánh giá, điều chỉnh thời gian chôn lấp để giảm thiểu tối đa mùi hôi ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân;…
Về phía Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh đã tăng cường các biện pháp vệ sinh công nghiệp, tần suất và liều lượng phun xịt khử mùi, lắp đặt biển báo công năng đầy đủ tại các khu vực trong công trường…; có các giải pháp bao phủ, che kín các khu vực tiếp nhận và xử lý bùn thải.
Công ty TNHH Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình thì bố trí thời gian tiếp nhận bùn thải hợp lý; tăng cường phun xịt chế phẩm sinh học, khử mùi khu vực tiếp nhận, xử lý bùn hầm cầu; thực hiện các biện pháp bao phủ, che kín các khu vực tiếp nhận và xử lý bùn…
Tuy nhiên, thực tế lúc này hàng nghìn người dân vẫn đang chịu cảnh phải ngửi mùi hôi thối hàng ngày.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nằm tại xã Đa Phước trên diện tích 128 ha, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD, chia làm bốn giai đoạn, hoạt động trong 24 năm. Giai đoạn 1 của dự án được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2007. Công ty VWS được đầu tư 100% vốn từ Công ty California Waste Solution (có trụ sở tại Mỹ) chịu trách nhiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành Bãi rác Đa Phước. Hiện nơi này tiếp nhận và xử lý hơn 5.000 tấn rác mỗi ngày bằng công nghệ chôn lấp.