Trước tình trạng dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona đang hoành hành, các sản phẩm y tế liên quan đến phòng ngừa dịch bệnh như khẩu trang y tế, nước khử trùng, cồn, găng tay y tế, thuốc phòng ngừa đang ngày càng khan hiếm. Đây là cơ hội để một số cá nhân, nhà thuốc đẩy giá khẩu trang lên gấp chục lần bán cho khách hàng kiếm lời.
Theo Zing.vn, trên sàn thương mại Shopee, một sản phẩm có tên "Khẩu trang giấy 3D Unicharm Nhật Bản hộp 100 miếng" được đăng bán với giá 2,7 triệu đồng. Trên thực tế, giá bán của sản phẩm này chỉ ở mức từ 250.000-300.000 đồng/hộp, rẻ hơn khoảng 10 lần so với giá bán của sản phẩm trên Shopee.
Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh, sản phẩm "Khẩu trang giấy 3D Unicharm Nhật Bản hộp 100 miếng" bất ngờ bị hệ thống Shopee ẩn trên trang tìm kiếm.
|
Sản phẩm khẩu trang giấy 3D Unicharm Nhật Bản hộp 100 miếng được bán với giá 2,7 triệu đồng trên Shopee. (Ảnh: Zing.vn). |
Chia sẻ với PV Kiến Thức trước việc chặt chém giá bán khẩu trang phòng dịch bệnh do virus corona, Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo - Công ty Luật TAT Law firm cho biết: Luật Giá 2012 quy định nghiêm cấm các cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Trên cơ sở Luật giá, Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2013 hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá. Cụ thể, cá nhân, tổ chức lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý thì bị phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng và buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
|
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo - Công ty Luật TAT Law firm. |
Tuy nhiên, theo danh mục mặt hàng bình ổn giá Nhà nước ban hành thì mặt hàng khẩu trang y tế không thuộc mặt hàng bình ổn giá, điều này gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán mặt hàng khẩu trang.
Luật sư Thảo cho biết, trong tình trạng dịch bệnh bùng phát như hiện nay, nhu cầu sử dụng tăng đột biến, mặt hàng khẩu trang y tế được xem xét là mặt hàng cần thực hiện bình ổn giá. Theo đó, trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền quyết định biện pháp bình ổn giá cụ thể tại địa phương.
Ngoài các mặt hàng khẩu trang y tế, cồn, nước rửa tay, … đối với các sản phẩm y tế là thuốc, Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017 quy định giá thuốc phải được niêm yết, giá bán lẻ lợi nhuận không vượt quá 15%. Cơ sở bán lẻ thuốc nào vi phạm quy định này đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược.
Luật sư Thảo nhấn mạnh, để quy định này có thể vận dụng vào thực thế, đủ sức răn đe các đối tượng gian thương trong tình trạng khẩn cấp như hiện nay, thiết nghĩ, Tổng cục Quản lý thị trường nhanh chóng phải có văn bản hướng dẫn cụ thể một mức giá cụ thể được coi là “giá bán bất hợp lý” đối với từng loại mặt hàng. Bên cạnh đó, cần kịp thời đưa các sản phẩm y tế vào danh sách các mặt hàng cần bình ổn giá.
|
Cảnh tượng người dân chen lấn, tranh giành nhau mua khẩu trang nhằm phòng ngừa lây nhiễm virus corona tại khu vực chợ thuốc lớn nhất miền Bắc (ở tòa nhà Hapulico, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) ngày 31/1/2020. |
Ngoài ra, cũng cần có các biện pháp thiết thực để quản lý chặt, hạn chế các trường hợp sản xuất hàng giả, hàng không đảm bảo không bảo đảm chất lượng. Chất lượng sản phẩm khẩu trang y tế được quản lý theo tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Bộ TCVN khẩu trang y tế. Nếu có căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế không bảo đảm chất lượng thì tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, mức phạt tối đa tương đương 3 lần giá sản phẩm, tước giấy phép kinh doanh, tiêu hủy sản phẩm.
“Người tiêu dùng khi gặp phải một trong các tình trạng tăng giá bán, ép giá, có thể gửi đơn hoặc trực tiếp thông tin đến phòng tiếp công dân của ủy ban nhân, Cục quản lý thị trường, Cục bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương”, luật sư Thảo khuyến cáo.