Ai chịu trách nhiệm điện rác Sóc Sơn 7.000 tỷ chậm tiến độ?

Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn được kỳ vong khi đi vào hoạt động sẽ giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân. Tuy nhiên, hiện dự án đã nhiều lần chậm tiến độ. Dư luận đặt câu hỏi, ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc này?
Nhà máy điện rác Sóc Sơn nhiều lần chậm tiến độ
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng bằng vốn nước ngoài. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Môi trường năng lượng Thiên Ý, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) là đơn vị thực hiện.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn được UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, do nhà đầu tư nước ngoài thi công và vận hành. Nhà máy đốt rác phát điện trên có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, được cho là lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ xử lý rác tại 9 quận nội thành. Dự án sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ.
Ai chiu trach nhiem dien rac Soc Son 7.000 ty cham tien do?
 Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Ảnh: Nhân dân.
Làm việc với lãnh đạo UBND TP Hà Nội cuối tháng 12/2019, Công ty CP Môi trường năng lượng Thiên Ý cam kết sẽ hoàn thành dự án vào tháng 8/2020 và vận hành chính thức đốt rác phát điện vào đúng dịp tháng 10/2020.
Đáng chú ý, dù cam kết là vậy nhưng đến thời điểm hiện tại dự án thi công không đảm bảo tiến độ trên.
Báo cáo mới nhất về tiến độ của Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, bắt đầu từ 1/5 đơn vị này sẽ tiếp nhận khoảng 2.000 tấn. Từ ngày 1/7 tiếp nhận 4.000 tấn.
Giải thích việc tiến độ triển khai dự án Nhà máy đốt rác phát điện chậm tiến độ so với quy định, đại diện Công ty cổ phần năng lượng Thiên Ý cho biết, do dịch COVID-19, công nhân và chuyên gia nước ngoài chưa sang kịp nên phía đơn vị thi công đề xuất thành phố cho lùi thời gian vận hành nhà máy.
Tuy nhiên, từ năm 2021, khối lượng bình quân là 5.000 tấn/ngày, tương đương 1.825.000 tấn/năm…Do đó, nếu Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý không kịp đưa vào hoạt động theo đúng cam kết sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo hồ sơ gói thầu 08 “Quản lý, vận hành Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội” từ tháng 1/2021, khối lượng rác theo gói thầu 1.929 tấn/ngày đêm. Tuy nhiên, do Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý chưa đảm bảo tiến độ theo cam kết, nên công tác xử lý rác vẫn phải thực hiện chôn lấp 5.000 tấn/ngày đêm đến 30/4/2021 dẫn đến khối lượng rác năm 2021 sẽ vượt so với gói thầu 276.390 tấn.
“Dự án này đã chậm tiến độ nhiều lần, đề nghị Công ty cổ phần năng lượng Thiên Ý tăng cường nhân lực, vật lực, gấp rút triển khai thi công các hạng mục dự án, nhất là khu lò đốt. Chậm nhất ngày 1/5/2021, đơn vị phải đưa nhà máy vào hoạt động” –Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu khi đi kiểm tra thực địa và công tác quản lý, vận hành, triển khai các dự án tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn ngày 2/3 vừa qua.
Ai chịu trách nhiệm?
Trao đổi với PV, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, cần phải làm rõ nguyên nhân vì sao dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn nhiều lần chậm tiến độ.
Theo PGS. TS Bùi Thị An, hiện nay nhu cầu xử lý rác là cực kỳ quan trọng với Hà Nội. Nếu chậm một ngày hậu quả khôn lường. Chưa kể chuyện này tác động đến xã hội.
“Người dân rất bức xúc. Bởi vừa tốn kém về mặt kinh tế, vừa hại sức khỏe, vừa khiến người dân bức xúc. Do đó, đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao chậm tiến độ. Trách nhiệm thuộc về ai. Khi làm rõ được trách nhiệm thì đề nghị phải xử lý” – bà Bùi Thị An nói.
Ai chiu trach nhiem dien rac Soc Son 7.000 ty cham tien do?-Hinh-2
 PGS. TS Bùi Thị An.
Phân tích về việc dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn chậm tiến độ gây ảnh hưởng lớn, bà Bùi Thị An nói rằng, dự án chậm tiến độ sẽ dẫn đến lượng rác tồn đọng lớn.
“Tồn đọng rác với khối lượng lớn sẽ gây ô nhiễm môi trường, cả đất, cả nước và không khí. Cũng vì ô nhiễm môi trường dẫn đến người dân bức xúc làm người dân bức xúc dẫn đến tác động làm lộn xộn trong xã hội. Nếu để ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Quan trọng nhất là việc chậm trễ này sẽ gây bức xúc cho dân. Hơn nữa còn làm ảnh hưởng về kinh tế bởi nếu xử lý rác còn phải ra được đầu khác nữa. Do đó, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thủ đô Hà Nội" - PGS. TS Bùi Thị An nói. Bà An cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm đơn vị, cá nhân trong việc dự án Nhà máy máy điện rác Sóc Sơn bị chậm tiến độ.
PGS.TS. Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho biết, hiện Hà Nội có một số nhà máy vận hành của Nhật nhưng công suất nhỏ nên vấn đề tồn đọng rác vẫn căng thẳng.
“Vừa rồi Hà Nội mới chỉ làm được việc dùng một số chế phẩm để giảm mùi nhưng lượng rác tồn đọng lâu lắm rồi. Nhiều lần Hà Nội đã có quyết định di dân một cách rốt ráo nhưng càng ngày lượng rác tồn càng lớn. Diện tích và lượng nước thải lan ra ngày càng rộng càng khiến thêm bế tắc do diện người dân đòi bồi thường ngày càng nhiều lên. Ngay Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cũng nói rằng đang rất khó và không biết tiến độ có đạt được không. Nhưng theo tôi công suất của Nhà máy điện rác Sóc Sơn cũng không đủ để giải quyết được. Tuy nhiên chắc chắn sẽ gây ra khó khăn trong việc xử lý rác của Hà Nội” – ông Tiến nói.
Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề về kỹ thuật nên rất khó.
“Chôn lấp rác bao nhiêu chục năm qua vẫn thế. Bây giờ tới thời hạn mà dự án không xong dù Hà Nội cũng đang cố gắng và chịu nhiều áp lực” – ông Trương Mạnh Tiến nói. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Cấp tốc đưa ra giải pháp, giải quyết ùn tắc Rác Thải tại Nam Sơn

Nguồn: VTV1


Hải Ninh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN