-
Chùa Cầu là một trong những địa điểm nổi tiếng ở Hội An. Chùa Cầu do người Nhật xây dựng, nhưng mang đậm nét kiến trúc đặc biệt của phương Đông. Chùa Cầu dài khoảng 18m, toàn bộ được làm bằng gỗ, mái được lợp ngói âm dương bên trên - nét đặc trưng của kiến trúc Việt Nam.
-
Nhìn từ xa, cây cầu có dáng uốn cong cong mềm mại, vắt ngang qua sông Hoài. Chính bởi thiết kế tinh tế này mà nơi đây trở thành điểm được check-in nhiều nhất Hội An.
-
Ở Hội An, trên đường Hoàng Văn Thụ (đường đi thẳng ra bờ sông Hoài), khách du lịch, các bạn trẻ, nhiếp ảnh gia, các cặp đôi chụp ảnh cưới... vẫn thường dừng lại ở một bức tường dài chừng 20m ghi lại những khoảnh khắc mang đầy vẻ đẹp được che phủ bởi rêu phong tại đây. Đây có thể được xem là bức tường được chụp hình nhiều nhất tại Hội An.
-
Bức tường thuộc ngôi nhà cổ của một gia đình 3-4 thế hệ. Trải qua sự bào mòn của thời gian, bức tường càng loang lổ, nhưng cũng càng thu hút sự chú ý của khách lãng du. Không cần phải là một thợ chụp ảnh chuyên nghiệp, chỉ cần giơ điện thoại, bạn vẫn có được những bức ảnh vô cùng ấn tượng.
-
Hoa giấy có thể xem là một phần không thể thiếu của phố cổ Hội An. Đến phố Hội bất kỳ mùa nào trong năm, du khách cũng sẽ bắt gặp nhiều sắc màu hoa giấy trên khắp các tuyến phố, và có lẽ chỉ ở Hội An, hoa giấy mới đẹp rực rỡ và thanh khiết đến thế.
-
Tuy không tỏa hương thơm như các loài hoa khác, nhưng vẻ đẹp mộc mạc của loài hoa này đủ sức níu chân bất cứ người khách nào đi qua. Hầu hết du khách đến đây đều thích đi bộ dưới những con đường có giàn hoa giấy để cảm nhận cảm giác bình yên, thỉnh thoảng lại có những cánh hoa mỏng manh rơi vào người.
-
Lồng đèn cũng là một nét đặc trưng rất riêng biệt của Hội An. Lụa Hội An được dùng để tạo thành những lồng đèn rực rỡ màu sắc, treo trước các hiên nhà cổ, hàng quán... tô điểm thêm cho vẻ đẹp vốn có của Hội An.
-
Đèn lồng ở Hội An rất phong phú và đa dạng về mẫu mã cho đến kiểu dáng hay hoa văn trang trí, tùy từng kiến trúc hay tính chất trang trí mà treo loại đèn phù hợp. Đây không chỉ là một vật phẩm dùng để thắp sáng, mà là một phần của cuộc sống linh hồn phố Hội.
-
Ban đêm, khi phố đã lên đèn, du khách có cảm giác như đang lạc vào một "xứ sở đèn lồng" trong truyện cổ tích.
-
Sông Hoài chảy giữa lòng phố cổ, đến đây, du khách sẽ có dịp ngồi trên ghe bầu, nghe kể về lịch sử sông xưa và chụp những bức ảnh vô cùng lãng mạn.
-
Từ giữa dòng sông Hoài, nhìn sang đôi bên bờ là đường Bạch Đằng với những dãy nhà tường vôi vàng, mái ngói nâu, bên kia là đường Nguyễn Phúc Chu - mặt tiền của khu đô thị mới nhưng vẫn giữ phong cách kiến trúc bản sắc của Hội An.
-
Nổi bật lên trong cung đường du lịch miền Trung, Hội An mang một vẻ đẹp cổ kính nhưng không kém phần lãng mạn và nên thơ, khác biệt so với tất cả những điểm đến khác trên đất nước.
-
Dù là ngày hay đêm, Hội An đều mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ và thú vị, đặc biệt, nơi đây còn sở hữu những địa điểm chiều lòng những bạn trẻ đam mê "sống ảo". Thời điểm du lịch Hội An "đẹp" nhất là từ tháng 2 đến tháng 4, chính là thời điểm này trong năm.