13.000 khách hàng phàn nàn về hóa đơn tiền điện tăng bất thường

Mặc dù đang hưởng kỳ nghỉ lễ dài ngày nhân dịp 30-4 và 1-5 nhưng trên các mạng xã hội, người tiêu dùng vẫn râm ran bàn luận, bày tỏ lo lắng về hóa đơn tiền điện tăng đột biến so với bình thường. 
Tuy nhiên, để tiếp tục giải đáp những khúc mắc của người tiêu dùng, trong ngày 30-4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố số liệu về sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 4 ở nhiều địa phương trên cả nước với mức tăng đột biến so với bình thường và coi đây là nguyên nhân làm tăng hóa đơn tiền điện tháng 4.
Theo EVN, điện năng tiêu thụ bình quân ngày trong tháng 4 đã tăng khoảng 16% so với tháng 3. Tại Hà Nội, mức tiêu thụ điện tăng từ 47 triệu kWh/ngày (cuối tháng 3) lên đến gần 58 triệu kWh/ngày (đầu tháng 4). Trong đó, ngày 20-4 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm với 63,4 triệu kWh. Tính ra, điện năng tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4 tại Hà Nội tăng 16,17% so với tháng 3.
Còn tại TPHCM, sản lượng tiêu thụ từ 71 triệu kWh/ngày (cuối tháng 3) lên đến trên 83 triệu kWh/ngày (đầu tháng 4). Sản lượng trong ngày cao nhất là 90,04 triệu kWh (vào ngày 24-4 vừa qua). Tính ra, điện năng tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4 tại TPHCM tăng 15,53% so với tháng 3.
Thống kê về hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình tại Hà Nội và TPHCM cho thấy, tính đến ngày 26-4 vừa qua, có hơn 57% số khách hàng tại Hà Nội có mức sử dụng điện tháng 4 tăng trên 30% so với tháng 3. Còn tại TPHCM là hơn 47% khách hàng. Vì vậy, EVN cho rằng, tăng lượng điện sử dụng là nguyên nhân chính làm hóa đơn tiền điện tăng bất thường, nếu không có yếu tố điều chỉnh giá bán điện cuối tháng 3 thì hóa đơn tiền điện trong tháng 4 vẫn tăng lên gần 27%.
“Đây là 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng lên đáng kể, nếu khách hàng càng sử dụng nhiều điện thì mức tăng tiền điện càng lớn” - EVN khẳng định.
Bộ Công thương và EVN cũng thừa nhận, tổng mức tăng thêm trung bình trên hóa đơn tiền điện tháng 4 lên tới 35% so với tháng 3. Và đây là mức tăng cao buộc người tiêu dùng phải lo lắng.
Tính từ thời điểm thực hiện điều chỉnh tăng giá điện (20-3) đến ngày 26-4, EVN cho biết, đã có tới 13.000 ý kiến của khách hàng về hóa đơn tiền điện. Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, EVN sẽ thực hiện phúc tra đối với những hóa đơn có lượng điện tiêu thụ tăng từ 1,5 lần trở lên so với tháng liền kề trước đó.
Theo đó, EVN yêu cầu giám đốc các công ty điện lực trực tiếp chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, xác minh, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của khách hàng trong vòng 24 giờ. Trên quy mô toàn quốc, 5 tổng công ty điện lực chủ động kiểm tra, theo dõi các bất thường trong hóa đơn điện. Để rạch ròi, giúp người tiêu dùng có thể theo dõi hóa đơn, từ ngày 20-3, EVN đã cung cấp công cụ (tool) hỗ trợ tính hóa đơn tiền điện trực tuyến đặt tại website của EVN tại địa chỉ: https://www.evn.com.vn/c3/calc/Cong-cu-tinh-hoa-don-tien-dien-9-172.aspx.
Ngoài ra, EVN cũng cung cấp thêm mã phản ứng nhanh QR code, giúp khách hàng dễ dàng truy cập, sử dụng công cụ tính hóa đơn điện trên thiết bị di động. Khách hàng chỉ cần nhập chỉ số điện đã thông báo trên hóa đơn, công cụ sẽ tự động tính toán và hiển thị kết quả theo biểu giá điện hiện hành. Qua đó, giúp khách hàng hiểu và yên tâm với cách thức tính tiền điện chính xác, rõ ràng, minh bạch của EVN.
Theo nhiều chuyên gia am hiểu về thị trường điện, mấu chốt của “hiện tượng” hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường hiện nay là do cách tính giá bán điện theo bậc thang lũy tiến của EVN. Hiện nay đang có 6 bậc thang, người dân càng dùng nhiều điện thì EVN càng có lãi lớn bởi cùng một sản lượng điện làm ra nhưng nếu người tiêu dùng sử dụng nhiều thì các số điện ở bậc sau sẽ có giá cao hơn bậc trước.
Vì vậy, cũng có ý kiến cho rằng, Bộ Công thương và EVN cần chỉnh sửa, thay đổi cách tính hóa đơn, giá bán điện theo bậc thang lũy tiến (phần lớn các hộ gia đình hiện nay đang sử dụng điện ở bậc 2 và 3). Nhưng cũng có ý kiến đề nghị người dân nên tiết kiệm điện tối đa sẽ tránh được hóa đơn tiền điện tăng vọt bất thường do cách tính tiền điện theo bậc lũy tiến (càng dùng nhiều thì giá mua điện càng đắt).
Theo Văn Phúc/SGGP

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN